Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Giáo Chủ Cõi Ta Bà

Đôi dòng tóm tắt tiểu sử Đức Phật Thích Ca:

Siddhārtha Gautama (tiếng Phạn là: सिद्धार्थ गौतम, chữ Hán: 悉達多瞿曇, phiên âm Hán-Việt: Tất-Đạt-Đa Cồ-Đàm), đôi khi cũng được phiên âm là Sĩ-Đạt-Ta Cù-Đàm (悉達多 瞿曇) đều là các kiểu phiên âm chữ Hán. Ngài còn được gọi là Đức Phật Shakyamuni (tiếng Phạn là: शाक्यमुनि, chữ Hán là: 釋迦牟尼, phiên âm Hán-Việt: Thích-Ca-Mâu-Ni). Đức Phật Thích Ca nguyên tên là Tất Đạt Đa. Họ của NgàiThích Ca, một chi nhánh của họ Kiều-Tất-La, là một vương tộc. Tên Ngài nói đủ là Kiều-Tất-La Thích-Ca Tất-Đạt-Đa (Kosala Akya Siddhrtha). Còn Mâu Ni là đức tính trong sạch, vắng lặng của Ngài, là từ dùng để tán thán Ngài.

Ngài là một vị Phật có thật trong lịch sử của nhân loại. Ngày mà Ngài đản sinh (gọi là Phật Đản) hay ngày Giáng sinh của Đức Phật, tiếng Pali gọi là Vesak. Ngài sống vào thời kỳ Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Dù có nhiều hoài nghi và do dự trước đây, nhưng sau các khám phá khảo cổ vào đầu thế kỷ 20, hầu hết các học giả ngày nay đều đã công nhận Đức Phật đã sống và truyền dạy giáo lý trong thời Mahajanapada dưới thời cai trị của vua Tần-Bà-Sa-La (Bimbisāra) (Bình Sa Vương) (vào năm 558 – 491 TCN) và qua đời trong thời gian đầu của triều đại vua A-Xà-Thế (Ajātaśatru), người kế thừa của vua Tần-Bà-Sa-La. Cuộc đời của thái tử Tất-Đạt-Đa không những trùng hợp với thời kỳ phát triển của đạo Bà-La-Môn giáo mà còn trùng với sự phát triển của trường phái tu khổ hạnh Sramana như Kỳ-na giáo, Ājīvika, Ajñana, Cārvāka (triết học duy vật khoái lạc).

Đức Phật Thích Ca là con của vua Tịnh Phạn (Suddodana) họ Cồ Đàm (Gotama) nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), mẹ Ngài là hoàng hậu Ma-Da (Mayadevi). Nước Ca Tỳ La Vệ tức là xứ Pipaova ở phía Bắc của thành Ba La Nại (Bénares) thuộc khu vực giáp ranh giữa NepalẤn Độ ngày nay. Trước khi xuất gia, Ngài đã có vợ là Da-Du-Da-La (Yashodhara), con trai là La-Hầu-La (Rahula).

– Bản đồ các vương quốc ở Ấn Độ cổ khoảng năm 500 Trước Công Nguyên –

TỪ ĐẢN SINH ĐẾN THÀNH ĐẠO

1 - đản sinh

Hoàng hậu Ma-Da từ khi kết hôn cùng với vua Tịnh Phạn, trải qua hơn hai mươi năm mà vẫn chưa có hoàng tử để nối ngôi. Nên hoàng hậu Ma-Da thường khuyên vua Tịnh Phạn hãy cố gắng làm nhiều điều phước thiện, tạo phúc cho muôn dân. Thế rồi, cho đến vào một đêm vắng lặng, trong lúc thiếp đi. Hoàng hậu Ma-Da đã có một giấc mơ kì lạ. Hoàng hậu Ma-Da thấy có một con voi trắng sáu ngà, trên vòi cuốn một đoá sen trắng từ trên không trung bay xuống, đi thẳng vào hông bên phải của bà. Lúc đó, bà cảm thấy thân tâm an lạc, sáng chói như ánh trăng rằm. Hoàng hậu giật mình tỉnh giấc, kể lại giấc mộng. Vua Tịnh Phạn bèn cho 64 nhà tiên tri thuộc Bà La Môn giáo đến giải mộng. Các vị học giả này đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sinh ra sẽ là một bậc Chuyển Luân Thánh Vương (vua của các vị vua) hoặc một bậc Thánh giác ngộ. Quả nhiên, hoàng hậu Ma-Da đã hoài thai hoàng tử. Vua Tịnh Phạn đã rất vui mừng mà mở yến tiệc cùng thần dân của mình để bái tạ ơn tổ tiên và trời đất.

– HOÀNG HẬU MAYA NẰM MỘNG THẤY BẠCH TƯỢNG DÂNG ĐÓA SEN TRẮNG. SAU ĐÓ, BÀ THỌ THAI –

Hoàng hậu mang thai được mười tháng, sắp đến ngày hạ sinh. Bà xin phép vua Tịnh Phạn cho mình về nhà mẹ ruột để hạ sinh theo đúng phong tục thời bấy giờ. Vua Tịnh Phạn đã đích thân dẫn đoàn tùy tùng đi hộ tống hoàng hậu về quê hương. Hôm đó là ngày trăng tròn theo lịch Ấn Độ. Gió tháng Tư hiu hiu thổi, khí trời ấm áp. Khi đoàn người đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thuộc thành Kapilavastu. Cảnh vật nơi đây tuyệt đẹp, mọi người ai cũng thấy dễ chịu. Hoàng hậu cho dừng kiệu để vào vườn nghỉ ngơi một chút. Lúc này là mùa xuân hạ giao mùa, trong vườn Lâm Tỳ Ni hoa đang nở rộ, muôn chim đua hót. Hoàng hậu ngồi cạnh hồ nước chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên, rồi bà đứng dậy dạo quanh vườn hoa. Khi bà đến cây hoa vô ưu có cành lá sum suê nở rộ. Hoàng hậu đưa tay lên định ngắt lấy một nhành hoa. Bỗng ngay lúc ấy hoàng tử chào đời. Lúc ấy nhằm ngày 8 tháng 4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên.

– ĐỨC PHẬT ĐẢN SINH TẠI VƯỜN LUMBINI (LÂM TÌ NI) –

Lịch sử Phật giáo ghi chép rằng: “Vừa sinh ra, hoàng tử đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử: Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả…” 

Ngay sau đó có một cơn mưa nhẹ đã gội rửa cho cả hoàng hậu và hoàng tử. Cùng ngày đó, bảy sinh mệnh khác cũng được xuất sinh, lần lượt là cây bồ đề, công chúa Da Du Đà La (Yashodhara), con ngựa Kiền Trắc (Kantaka), người đánh xe ngựa Sa Nặc (Channa), con voi Kaludayi (người bạn thời thơ ấu của hoàng tử), và bảy kho báu vô chủ.

Hoàng tử được đưa trở về kinh thành ngay đêm hôm đó. Năm ngày sau, hoàng tử được đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha), nghĩa là “người đạt được tất cả mục đích của mình”. Rất nhiều nhà thông thái đã đến để gặp mặt và cầu chúc cho vị hoàng tử mới sinh, trong số đó có tiên nhân A Tư Đà (Asita)- người có tài tiên tri do đã chứng thiền tới cảnh giới rất cao – Phi tưởng phi phi tưởng.

Tiên nhân A Tư Đà đến từ Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Trong khi đang thiền định, tiên nhân đã thấy trước sự chào đời của hoàng tử. Nên ngài đã lặn lội từ Hi Mã Lạp Sơn xa xôi đến kinh thành xin yết kiến vua để chúc mừng và xem để mặt hoàng tử. Ngài A Tư Đà là một đạo sư, vốn là thầy dạy học cũ của vua Tịnh Phạn và là một người tu hành khổ hạnh đã đạt được nhiều thành tựu, được người đời ca tụng là bậc tiên nhân.

Vua Tịnh Phạn cảm thấy rất vinh dự bởi chuyến thăm của tiên nhân A Tư Đà, nên cho người mang hoàng tử đến bên vị tiên nhân để tỏ lòng tôn kính với ông. Ngay lập tức, tiên nhân A Tư Đà đứng dậy và nhận ra ngay những đường nét trên cơ thể của hoàng tử báo hiệu một khuynh hướng tâm linh và tôn giáo. Với năng lực siêu thường của mình, ông nhìn thấy sự vĩ đại trong tương lai của vị hoàng tử mới sinh.

TU SĨ ASITA (A TƯ ĐÀ) ĐẾN HOÀNG CUNG DIỆN KIẾN HOÀNG TỬ SƠ SINH.

Bỗng nhiên, tiên nhân A Tư Đà bật khóc. Vua Tịnh Phạn hỏi nguyên nhânA Tư Đà liền thưa rằng:

Hoàng tử đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà trên đời chưa thấy ai có. Nếu sau này hoàng tử làm vua thì sẽ là một Chuyển Luân Thánh Vương. Còn nếu hoàng tử xuất gia học đạo. Thì hoàng tử chắc chắn sẽ là bậc Đại Thánh, một đại vĩ nhân, nhất định sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác. Tôi khóc là vì tôi đã quá già, không thể sống được tới lúc Ngài đạt Chánh Đẳng Chánh Giác để có cơ hội nghe pháp của Ngài” (tu sĩ A Tư Đà đã tiên tri được rằng thọ mạng của ông sắp hết, ông sẽ qua đời trước khi Tất Đạt Đa thành đạo). Nói xong, A Tư Đà liền quỳ xuống lạy hoàng tử. Vua Tịnh Phạn trông thấy tiên nhân A Tư Đà đảnh lễ con mình như vậy, vua cũng làm theo tu sĩ, xá chào con mình.

Nghe những lời từ tiên nhân A Tư Đà, đức vua Tịnh Phạn vô cùng sung sướng với ý tưởng con trai mình sẽ trở thành một Chuyển Luân Thánh Vương vĩ đại. Nhưng cũng rất bực tức và đầy lo sợ vì vua không muốn hoàng tử trở thành người xuất gia tu hành. Vua Tịnh Phạn tức giận và nói với A Tư Đà rằng: “Con ta sẽ là 1 bậc Chuyển Luân Thánh Vương, và sẽ là 1 Sát-đế-lỵ (Kshastriya), nên tôi xin mời tiên nhân về cho, tôi còn phải cho các thần dân xem con tôi đã”. 

Lúc này tiên nhân A Tư Đà đi về. Nhưng tiên nhân đã nán lại giữa đám đông để nhìn mặt của hoàng tử. Khi đệ tử của tiên nhân hỏi ông rằng “tại sao ông không về”, A Tư Đà đã trả lời Vì ta đang ngắm nhìn cả vũ trụ 1 lần cuối

Và để ngăn chặn việc hoàng tử trở thành người xuất gia như lời các bậc học giả và tu sĩ đã tiên tri. Vua Tịnh Phạn đã ngăn chặn triệt để tất cả những điều có thể khiến hoàng tử chuyển sang khuynh hướng tôn giáo. Trong ngày hôm đó, vua Tịnh Phạn đã sắc phong cho hoàng tử Tất Đạt Đa trở thành con trưởng và sẽ nối ngôi vua sau này, nên gọi là Thái tử Tất Đạt Đa

Sau buổi lễ 2 ngày, (tức là khi hạ sinh thái tử được 7 ngày) thì hoàng hậu Ma-Da qua đời với di ngôn muốn em gái ruột của mình là Kiều Đàm Di (Maha Pajapati) kết duyên với vua Tịnh Phạn, trở thành dì mẫu để thay thế mình nuôi dưỡng thái tử Tất Đạt Đa với sự yêu thương và chăm sóc hết mực. Bà Kiều Đàm Di đã chấp nhận di ngôn đó. Con ruột của bà là Nan Đà (Nanda), bà đã giao lại cho người vú chăm sóc. Để mình hết lòng chăm sóc thái tử Tất Đạt Đa.

– em ruột của hoàng hậu Ma-Da là Kiều Đàm Di chăm sóc thái tử –

(Về sau, khi thái tử Tất Đạt Đa đã đắc đạo, bà Kiều Đàm Di đã xin Đức Phật cho phép mình xuất gia, trở thành nữ đệ tử (Tỳ kheo ni) đầu tiên của Phật giáo và sau này đã đắc quả vị A-La-Hán.)

– Tranh vẽ Thái Tử Tất Đạt Đa và dì mẫu Kiều Đàm Di (tranh vẽ theo phong cách Hi Lạp cổ) –

Kinh Phật nói rằng mẹ của mọi vị Phật đều sẽ qua đời vào 7 ngày sau khi sinh (bởi phước báu quá lớn của việc đản sinh ra Phật sẽ giúp người mẹ xả bỏ thân xác yếu ớt và thọ mạng ngắn ngủi của con người để tái sinh làm thần trên cõi Trời). Sau khi qua đời, bà Ma-da đã tái sinh làm 1 vị thần trên cõi Trời Đâu Suất có tên là Ma-da-đức-ngoá-phổ-đa (Māyādevaputta). Sau này khi thành đạo, Phật Thích Ca đã dùng thần lực để thuyết Vi diệu pháp cho vị thần tiền kiếp là mẹ mình trên cõi trời này để tỏ lòng biết ơn thân mẫu.

Về bà Kiều-Đàm-Di, Kinh Bản Sinh (Jataka) ghi về nhân duyên làm dưỡng mẫu Phật của bà như sau: cách đây 100.000 đại kiếp Trái Đất, đã có Phật Thượng Liên Hoa (Padumuttara) truyền đạo trên thế gian. Có một công chúa đã cúng dường Phật với lòng chí thành, một hôm khi đang nghe Phật Liên Hoa thuyết pháp, công chúa nhận thấy có một Tỳ kheo ni thật đáng tôn quý, đứng đầu hội chúng Tỳ kheo ni, và là người nữ đệ tử đạt giác ngộ sớm nhất. Bà liền lập nguyện rằng, trong tương lai, do công đức tu tập, bà sẽ được như vị Tỳ kheo ni ấy. Lời nguyện của bà đã được Đức Phật Thượng Liên Hoa ấn chứng là sẽ thành tựu trong thời kỳ của Đức Phật Thích-Ca (Shakya). Công chúa đó chính là tiền kiếp của bà Kiều-Đàm-Di.

2 - lễ hạ điền

Lễ Hạ Điền là một sự kiện lạ lùng xảy ra trong thời thơ ấu của Thái tử Tất Đạt Đa. Sự kiện ấy là một kinh nghiệm tinh thần của Ngài, là chiếc chìa khoá mở đường cho Ngài tiến đến sự Giác Ngộ. 

Câu chuyện kể lại là vào hằng năm vua Tịnh Phạn có tổ chức lễ Hạ Điền. Đó là một nghi lễ cầu thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, trước khi mọi người bắt tay vào việc đồng án. 

“Ở Ấn Độ, người ta tin đủ các loại thần: nào là thần mưa, thần gió, thần lửa, thần đất v.v… Họ tin tưởng tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống của con người đều do thần linh cai quản. Con người phải cúi đầu nhận chịu sự ban phát hay trừng phạt của các đấng thần linh.”

Sáng ngày lễ Hạ Điền, đức Vua cùng quần thần áo mão chỉnh tề ra tận nơi hành lễ. Các cung phi mỹ nữ đỡ thái tử Tất Đạt Đa ngồi vào kiệu, lính hầu khiêng kiệu đặt dưới bóng mát của một cội cây trâm lớn, nơi nghi lễ sẽ diễn ra cách đó không xa. Mọi người đều hân hoan chiêm ngưỡng cảnh nhà vua chủ lễ, các cung phi có phận sự trông nom Thái tử cũng lén chạy đến gần để xem.

Thái tử lúc đó còn nhỏ khoảng 9, 10 tuổi, nhưng lại không ham thích cảnh tưng bừng nhộn nhịp của buổi lễ. Thái tử rời kiệu xuống đất, thay vì chạy nhảy vui chơi, Ngài lại chọn bóng mát dưới gốc cây trâm, ngồi tréo 2 chân theo lối kiết già, trầm ngâm lặng lẽ, mắt lim dim, chăm chú vào hơi thở, định tâm và tình cờ nhập định đắc Sơ Thiền. 

Đang lúc mọi người bận rộn, vui vẻ với cuộc lễ, các cung phi bỗng sực nhớ tới Thái tử, vội vã quay về với phận sự, họ thấy Thái tử đang ngồi trầm ngâm thiền định. Lấy làm lạ nhưng không dám quấy rầy, họ vội vàng đến trình tâu tự sự cho vua Tịnh Phạn

Đức vua Tịnh Phạn hối hả đến nơi, thấy Thái tử Tất Đạt Đa vẫn còn trong tư thế nhập định. Đức vua đến trước mặt Thái tử, chắp tay xá chào con, dịu dàng nói: “Hỡi con yêu quí, đây là lần thứ nhì, phụ vương đảnh lễ con.” 

– NĂM LÊN BẢY TUỔI, THÁI TỬ THEO PHỤ VƯƠNG DỰ LỄ HẠ ĐIỀN. NGÀI NGỒI DƯỚI BÓNG CÂY TRẦM TƯ, CHỨNG SƠ THIỀN –

3 - tuổi niên thiếu

Thái tử mỗi năm mỗi lớn, diện mạo càng thêm khôi ngô tuấn tú. Ngài lớn lên với sự thông minh xuất chúng, tài năng phát triển vượt bậc và sức khoẻ cường tráng phi thường. Từ văn đến võ, các trai tráng trong hoàng tộc không ai sánh kịp, học thầy nào cũng chỉ trong một thời gian ngắn là học hết quyền thuật, chữ nghĩa của thầy. Mặc dù tài sức hơn người, nhưng Thái tử không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo khinh người. Trái lại Thái tử lại là một người có thái độ nhã nhặn, thương người thương vật, vô tư bình đẳng. Do đó Thái tử càng được Vua cha yêu quý và chiều chuộng hết mực. Những người xung quanh mến trọng và kính nể.

– THÁI TỬ SIDDHATTHA (SĨ ĐẠT TA) ĐÃ TẬN LỰC CỨU CHIM THIÊN NGA BỊ BẮN BỞI HOÀNG TỬ DEVADATTA (ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA) –

Đến năm 12 tuổi, Thái tử đã vượt người tầm thường. Ngài thông thạo tất cả các học thuyết của thế gian như: kỹ nghệ, điển tích, văn chương, thiên văn, lịch số… Từ năm 13 tuổi, Thái tử được truyền thụ võ nghệ, bắn cung, đua ngựa… Có lần trong một cuộc thi bắn cung, Ngài đã nâng được chiếc cung rất nặng mà từ trước đến giờ chưa ai nâng nổi và bắn xuyên qua 7 lớp bia đồng trong khi người giỏi nhất cũng chỉ bắn xuyên được 3 lớp. Với sức khỏe và trí tuệ hơn người, không có bất kỳ bộ môn nào từ văn đến võ mà Thái tử không thông suốt, Ngài khiến mọi người đều phải kính nể. Không ai là không hàng phục. Trên từ đức vua Tịnh Phạn, dưới đến dân thường, tất cả mọi người đều yêu mến và cho rằng sau này Thái tử sẽ là người chinh phục bốn phương, thống nhất bờ cõi, trở thành một bậc Chuyển Luân Thánh Vương vĩ đại – làm rạng danh hoàng tộc Thích Ca.

– NĂM 16 TUỔI, TRONG MỘT CUỘC THI ĐẤU GIỮA CÁC HOÀNG TỬ TRẺ, THÁI TỬ ĐÃ CHỨNG TỎ LÀ NGƯỜI TÀI ĐỨC KIÊM ƯU –

Tuy nhiên, đức vua Tịnh Phạn lại lo lắng khi thấy Thái tử còn nhỏ mà không ưa thích cuộc sống ồn ào vui chơi náo nhiệt như các trẻ nhỏ khác. Nhất là khi vua nhớ đến những lời tiên tri của các vị đạo sĩ năm xưa rằng: “Thái tử sẽ trở thành người tu hành khi nhìn thấy các dấu hiệu của sinh, lão, bệnh, tử hoặc gặp một nhà tu hành khổ hạnh.” Thì vua Tịnh Phạn càng lo sợ hơn. Trong lòng vua không muốn con mình trở thành người xuất gia tu hành. Vua Tịnh Phạn đã bằng mọi cách ngăn cản, che đậy, không cho Thái tử thấy biết cuộc sống thế gian vốn có nhiều đau khổ và phiền lụy. Bằng mọi cách không cho Thái tử nhìn thấy các dấu hiệu của: Sinh – Lão – Bệnh – Tử và không để cho Thái tử gặp được bất kì một nhà tu hành nào.

Xung quanh Thái tử là cuộc sống vương giả, xa hoa, đàn ca hát xướng, tràn ngập sự hoan lạc. Tuy nhiên, Thái tử vẫn trầm tư mặc tưởng. Trên mặt vẫn lộ nét buồn kín đáo và Ngài luôn có rất nhiều những câu hỏi về cuộc sống mà không một ai giải đáp được. Đôi khi Ngài đã tỏ với vua cha xin đi xuất gia để tìm những câu trả lời cho chính mình. Đoán biết ý con, vua Tịnh Phạn sinh sợ sệt và tìm đủ mọi cách tăng thêm dục lạc, mong làm khuây khoả được chí nguyện xuất gia của Ngài.

4 - Thành Hôn

Vua Tịnh Phạn càng lúc càng muốn Thái tử sẽ nối ngôi vua sau này nên đã ép Thái tử thành hôn với Công chúa Da Du Đà La (Yasodhara). Nàng là công chúa đẹp người, đẹp nết vẹn toàn. Thái tử sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi tuyển chọn phò mã. Ngài đã kết hôn với công chúa Da Du Đà La lúc Ngài được 16 tuổi.

– NĂM 16 TUỔI, THÁI TỬ ĐĂNG QUANG VÀ THÀNH HÔN VỚI CÔNG NƯƠNG YASODHARA (DA DU ĐÀ LA) –

Vua cho lập các cung điện để Thái tử thay đổi nơi ở theo bốn mùa. Chọn các mỹ nữ trẻ đẹp hầu hạ Thái tử. Xung quanh cung điện là ao hồ, vườn cây luôn đẹp đẽ xanh tươi, hoa lá rực rỡ như cảnh thần tiên. Đời sống vương giả đầy đủ cao lương mỹ vị, đàn ca múa hát, ngày đêm có người luân phiên chầu chực hầu hạ, lên xe xuống ngựa trong hoàng thành rộng lớn.

Cuộc đời nhung lụa vương giả sung sướng với vợ đẹp ngoan hiền như thế đã trên mười năm, mọi người tưởng rằng Thái tử sẽ tiếp tục sống mãi như thế tới ngày Vua cha truyền ngôi để trị vì đất nước. Rồi Công chúa sinh con trai tên La Hầu La, Vua Tịnh Phạn càng thêm vui mừng, vì đã có thêm sự ràng buộc Thái tử hơn nữa.

“Trong 13 năm chung sống cùng Công chúa, Thái tử hoàn toàn sống cuộc đời nhung lụa, không hay biết gì về nỗi thống khổ của nhân loại bên ngoài ngưỡng cửa cung điện.”

Một mình Ngài được hưởng thụ mọi thứ vinh hoa trên cõi đời này. Trong kinh Tăng Nhứt A-Hàm (Anguttara Nikãya, phần 1, trg 145) có ghi lời Ngài kể cho đệ tử nghe như sau:

“Đời sống của ta thật là tế nhị, vô cùng tinh vi. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phiá bên kia, và trong đầm bên cạnh, sen trắng đua nhau tranh đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Kasi đưa về. Khăn và áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhứt từ xứ Kasi chở đến.

“Ngày cũng như đêm, mỗi khi ta bước chân ra khỏi cung điện là có tàng lọng che sương đỡ nắng.  

“Phụ hoàng cũng kiến tạo riêng cho ta ba toà cung điện. Một để cho ta ở mùa lạnh, một mùa nóng và một mùa mưa. Trong suốt bốn tháng mưa ta lưu tại một biệt điện có đầy đủ tiện nghi, giữa những cung tần phi nữ. Cho đến hàng nô tỳ của phụ hoàng cũng được ăn sung mặc sướng chớ không phải như ở các nhà khác, gia đình chỉ được ăn cơm xấu và thức ăn cũ.”

5 - Nhận Rõ Cảnh Khổ

Suốt 29 năm sống trong cung vàng điện ngọc, được sự chiều chuộng của tất cả mọi người trong hoàng cung. Nhất là vua cha và dì mẫu cùng công chúa xinh đẹp Da-Du-Đà-La luôn để ý chăm sóc. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để khiến cho Thái tử lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ hạnh phúc.

“Mặc dù sống đời sung sướng, vợ đẹp, con ngoan là vậy. Nhưng Thái tử vẫn thấy trong lòng nặng trĩu với những nỗi băn khoăn thắc mắc về đời sống thật sự bên ngoài hoàng thành. Cũng như tâm trí của Thái tử luôn xoay quanh những câu hỏi từ thuở thơ ấu đến trưởng thành vẫn chưa tìm được lời giải đáp.”

Nhưng đến một ngày nọ, Thái tử nảy ra ý kiến xin vua cha cho mình đi thăm thần dân cho biết sự tình. Vua Tịnh Phạn nghĩ cũng đến lúc cho Thái tử ra ngoài thành để biết đất nước của mình hùng tráng, xinh đẹp như thế nào.

Vua Tịnh Phạn liền ra lệnh cho dân chúng mọi nhà phải cấp tốc giăng đèn kết hoa, trưng bày một cảnh thái bình thịnh vượng, người người phải lộ nét vui vẻ hạnh phúc, nhất là trên những con đường mà Thái tử sẽ đi qua.

Thái tử đã rời khỏi thành 4 lần để du ngoạn. Dù đức vua Tịnh Phạn ra lệnh che giấu cuộc sống của dân chúng chu đáo như thế nào đi nữa cũng không thể qua mắt được Thái tử. Và đặc biệt hơn nữa, 4 ngày Thái tử xuất thành đều là ngày Rằm. 

  • Lần 1 vào ngày Rằm tháng 6, Ngài xuất thành từ cửa Đông. Lần đó thì Ngài thấy một ông già đầu bạc trắng, lưng còng, răng rụng, lần bước đi một cách khó khăn, phải nhờ một cây gậy chống đỡ.
  • Lần 2 vào ngày Rằm tháng 10, Ngài xuất thành từ cửa Nam. Ngài thấy một người nằm co quắp trên cỏ đang kêu la đau đớn. Hỏi thăm thì được biết người này đang bị bệnh rất nặng.
  • Lần 3 vào ngày Rằm tháng 2, Ngài xuất thành từ cửa Tây. Ngài thấy một thi thể người chết đang trương sình nằm bên đường chuẩn bị được đưa lên giàn thiêu trước sự khóc lóc sầu não của người thân còn sống
  • Lần 4 vào ngày Rằm tháng 6, Ngài xuất thành từ cửa Bắc. Ngài nhìn thấy một vị tu sĩ xuất gia Bà La Môn giáo đang ngồi trong tư thế kiết già dưới gốc cây, thản nhiên không để ý đến các người qua lại.
– DẠO BỐN CỬA THÀNH, THÁI TỬ TẬN MẮT THẤY ĐƯỢC HÌNH ẢNH: NGƯỜI GIÀ, NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI CHẾT VÀ MỘT TU SĨ –

Ngài đã quan sát và nhận thấy cuộc sống của con người không hoàn toàn hạnh phúc. Mà cuộc sống con người bị quay cuồng trong một vòng tròn khốn khổ. Bên cạnh đó những người xung quanh chỉ lo chạy đua, tranh giành, chụp giựt, bon chen hằng ngày. Không hề có giây phút suy tư tìm cách thoát khỏi cái vòng hệ luỵ sanh, già, bệnh, tử đó! Chừng như họ chịu thua hoàn cảnh khắc nghiệt ập lên cuộc đời ngắn ngủi của họ và cứ tiếp tục thả mình trôi lăn trong biển khổ định mệnh. Những cảnh xa hoa trong hoàng cung chỉ là giả dối; Ngài muốn tìm cách làm sao để cứu chúng sanh khỏi khổ đau, bệnh, chết, nhưng Ngài chưa biết phải làm gì, nên trong lòng Ngài ngày một nặng nề hơn. Ngài cứ trầm ngâm tư duy tìm lối thoát sinh diệt, nhưng không có cách nào hết. 

Nhưng lành thay, ngoài ba cảnh già, bệnh, chết… thì trong chuyến du ngoạn lần thứ tư, Thái tử gặp được một vị tu sĩ Bà La Môn nghiêm trang khả kính. Hình ảnh thong dong từ tốn của vị tu sĩ này đã mở cho Thái tử một con đường mà Ngài hy vọng sẽ đạt được giải thoát an vui.

Trong kinh Trung A-Hàm (Majjhima Nikãya, Phần 1 – Ariyapariyesana Sutta số 26, trang 163) có ghi lại sự suy nghĩ của Thái tử Tất Đạt Đa như sau:

“Chính ta phải chịu sanh, già, bịnh, chết, phiền não và ô nhiễm. Tại sao vẫn mải mê chạy theo những điều mà bản chất cũng còn như vậy. Vì chịu sanh, lão, bịnh, tử, phiền não và ô nhiễm, ta đã nhận thức sự bất lợi của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa thành đạt, cái tối thượng và tuyệt đối của Niết Bàn“.

Nói về cuộc sống tại gia, cũng trong kinh Trung A-Hàm, Phần 1, Mahãsaccaka Sutta số 36, kể lại rằng:

“Đời sống tại gia rất tù túng chật hẹp, là chỗ ẩn náu của bụi trần ô trược, nhưng đời của bậc xuất gia quả thật là cảnh trời mênh mông bát ngát! Người đã quen với nếp sống gia đình ắt thấy khó mà chịu được Đời Sống Đạo Hạnh Thiêng Liêng với tất cả sự hoàn hảo và trong sạch của nó.”

Ngài trở về cung thưa với Vua cha xin xuất gia học đạo. Nhưng Ngài bị từ chối. Ngài đã trình Vua bốn sự việc nếu Vua giải quyết được, Ngài sẽ bỏ việc xuất gia, đó là:

  1. Làm sao mọi người trẻ mãi không già?
  2. Làm sao mọi người khỏe mãi không bệnh?
  3. Làm sao mọi người sống mãi không chết?
  4. Làm sao mọi người hết khổ?

Vua nghe Ngài hỏi như thế, buồn rầu không giải quyết được, và nói: “Những việc đó là thường ở đời, đương nhiên phải già, bệnh, khổ, chết, không có cách nào giải quyết được, đành chịu mà thôi”.

– CON NGƯỜI MẮC KẸT TRONG VÒNG SINH TỬ LUÂN HỒI –

Thái tử thì không chấp nhận những điều đó, Ngài nghĩ là mình bằng bất cứ giá nào cũng phải vượt khỏi sự sinh diệt. Ngài nhận định rõ ràng những thích thú vật chất mà con người tranh giành nhau đều không thể đem lại lợi ích bền vững. Chỉ có sự xuất gia, từ bỏ tất cả mùi danh bã lợi của thế gian mới thật là chân lý. 

6 - XUẤT GIA TÌM ĐẠO

Với một ý chí cương quyết tìm chân lý, nên vào lúc giữa đêm ngày mồng tám tháng hai. Sau buổi yến tiệc linh đình. Giữa lúc mọi người đang chìm trong bóng tối và mê man theo giấc ngủ. Ngài nhìn vợ con đang an giấc rồi cùng người hầu cận trung thành của mình là Xa Nặc, lặng lẽ cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia. Khi đó, thái tử 29 tuổi. Độ tuổi tráng niên, cường lực. Ngài dứt bỏ hết để ra đi tìm đạo với hai bàn tay trắng, sống một cuộc đời chưa biết sẽ ra sao.

– NGÀI NHÌN VỢ CON ĐANG AN GIẤC TRƯỚC KHI RỜI BỎ HOÀNG CUNG TÌM ĐẠO –

“Thái tử Tất Đạt Đa đã rời bỏ cung điện với ngai vàng ngôi vua đứng đầu thiên hạ. Từ giã người vợ cao sang quyền quý xinh đẹp và đứa con kháu khỉnh dễ thương vừa mới chào đời để ra đi tìm Chân lý Tịch Tịnh trường cửu.

– THÁI TỬ CÙNG CẬN THẦN XA NẶC RỜI THÀNH –

Ngài hy sinh tình cảm riêng tư của mình để ra đi không phải vì Ngài ích kỷ chỉ nghĩ riêng cho bản thân mình. Mà Ngài ra đi để tìm Đạo để  tự cứu mình và cứu hàng hàng lớp lớp chúng sanh đang lặn ngụp trong biển khổ, trong đó có vua cha, dì mẫu và vợ con của Ngài.

Sáng hôm sau, khi đã vượt qua sông Anoma (Neranjara), Ngài dừng chân trên bãi cát, dùng thanh kiếm sắc bén tự cạo râu tóc. xong trao áo, mão, kiếm cho Xa Nặc đem trở về trình vua Tịnh Phạn để tỏ rõ sự tình. Thái tử khoác lên mình tấm vải vàng cam làm áo (cà sa), tự nguyện sống đời tu sĩ, và chấp nhận mọi sự thiếu thốn vật chất.

– BÊN DÒNG ANOMA, THÁI TỬ CẮT TÓC ĐẮP CÀ SA, TRỞ THÀNH MỘT SA MÔN –

Từ một Thái tử giàu sang vinh hiển tột bậc. Ngài trở thành một tu sĩ nghèo nàn, không tiền của, không cửa nhà, sống nhờ lòng từ thiện của bá tánh thập phương. Ngài không có một nơi chốn nào nhất định. Hôm nay, ngủ dưới gốc cây cao bóng mát, ngày mai tạm trú trong một hang đá vắng vẻ hoang vu… Thế nào cũng được, chỉ cần có thể che mưa đỡ nắng cho Ngài trong buổi trưa hè nắng gắt, hay trong đêm khuya gió sương lạnh lẽo là được. Chân không giày dép, đầu không mũ nón, Ngài đi trong ánh nắng nóng bức và trong sương gió lạnh lùng như thế ngày này qua ngày khác. Tất cả xiêm y chỉ là những mảnh vải vụn vặn ráp lại vừa đủ để che thân. Tất cả tài sản chỉ là một bình bát để trì khất thực và bộ y chỉ vừa đủ sống. Ngài tận dụng thời giờ và năng lực trong việc tìm kiếm khám phá chân lý giải thoát.

Ngài đi đến thành Vương Xá (RajagrÌha) xứ Ma Kiệt Đà, tìm đến các vị tu sĩ Bà la môn giáo mà tham khảo phương pháp tu hành. Ngài tìm đến học với tu sĩ Alarama Kalama. Là một vị thầy Yoga nổi tiếng.

– NGÀI HỌC VỚI TU SĨ ALARAMA KALAMA –

Không bao lâu Ngài đã học và nhanh chóng đạt được tất cả những gì vị tu sĩ ấy đã đạt. Ngài đắc quả “Vô Sở Hữu Xứ nghĩa là “Ch không có gì“. Đây là trạng thái tâm thức thiền gia cảm nhận “không có gì” xung quanh mình trong lúc toạ thiền cũng như sau khi xả thiền. Trong tiến trình này, tuy tâm không dao động, không rối loạn trước các đối tượng (vì đối tượng không là gì), nhưng vẫn còn tự ngã và ý thức cho nên ngã và pháp đều có mặt. Kết quả đã không đáp ứng được mục đích thoát khỏi sanh già bệnh chết. Tu sĩ Alarama Kalama mời Ngài ở lại để cộng tác dạy cho các đệ tử khác. Nhưng Ngài từ chối. Vì những gì mà Ngài đã học từ tu sĩ Alarama Kalama không thỏa mãn những sự rốt ráo của giải thoát. Nên Ngài  từ giả vị Thầy Alarama Kalama ra đi tìm pháp khác.

Tất Đạt Đa rời đi và đã tìm đến học với một vị tu sĩ thứ hai và cũng là một bậc thầy Yoga, tu sĩ Uddaka Ramaputta.

– NGÀI LẠI TÌM HỌC Ở TU SĨ UDDAKA RAMAPUTTA –

Chỉ trong 3 tuần, Ngài đã học và cũng chứng được tất cả những gì vị tu sĩ ấy đã chứng. Vị tu sĩ Uddaka Ramaputta đã ấn chứng cho Ngài đã đạt được quả vị cao nhất của hệ thống thiền Yoga là “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Đây là trạng thái “không tri giác, mà cũng không không tri giác” nói cách khác là “hoàn toàn không nhn thđiu gì đối vi môi trường xung quanh. Trong lúc đó, niệm biết rõ ràng không xuất hiện cho nên thiền giả có lúc chìm đắm trong ảo tưởng. Ngài nhận thấy loại định này cũng không đưa đến thoát khỏi ly tham, cũng không đạt được đoạn diệt, an tịnh, thượng trí và giác ngộ. Chưa phải là Chân Lý Tịch Tịnh, chưa phải là Niết Bàn tối thượng. Vì thế dù được vị thầy thứ hai này ấn chứng và ngỏ ý truyền tất cả đồ chúng để Ngài cai quản và hướng dẫn họ tu tập, nhưng Tất Đạt Đa đã nhã nhặn từ chối và lại ra đi.

7 - SÁU NĂM TU KHỔ HẠNH

Lang thang ra ngoại thành Vương Xá (xứ Ma-Kiệt-Đà), để tự tu tập một mình. Tại đây, Ngài gặp tu sĩ Kiều Trần Như – là người trẻ nhất trong số đạo sĩ được Vua Tịnh Phạn mời xưa kia khi mới sinh Hoàng tử Tất Đạt Đa. Ông nghe tin Thái tử đã xuất gia học đạo, nên dẫn bốn anh em đồng tu tìm đến gặp Ngài để cùng tu. Cùng với họ, Ngài bắt đầu tu khổ hạnh.

– NGÀI HÀNH PHÁP KHỔ HẠNH CÙNG NĂM ANH EM KIỀU TRẦN NHƯ –

Thời đó các vị tu sĩ quan niệm là phải đì thân xác thật khốc liệt để cảm giác đau đớn nổi lên trên thân thì mới đạt được đạo quả. Các tu sĩ thời đó cho rằng đây là con đường duy nhất không còn con đường nào khác để đạt được Niết Bàn. Trong vòng 6 năm tu sĩ Tất Đạt Đa nổi tiếng khắp nơi về việc tu hành khổ hạnh, bởi vì những sự tu khổ hạnh của Ngài thời đó không một ai làm được, cho đến nay cũng chưa một ai có thể làm được. Có lúc Ngài tu theo hạnh con chó, con bò, có lúc Ngài ngủ trên cỏ gai nhọn, ngủ một giò, không tắm, không cạo râu, không ăn no uống nhiều, chỉ ăn một hạt gạo mỗi ngày. Có khi vào giữa đêm khuya lạnh lẽo Ngài lại trầm mình xuống dòng sông, nước lạnh thấu xương hay nằm chịu đựng cho tuyết rơi phủ cả thân mình. Ngài tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ, nhịn thở để thiền.

Cho đến một ngày kia thân hình tráng kiện của Ngài chỉ còn da bọc xương. Đến nỗi xương bàn tọa ngồi như móng con lừa, xương sống như xâu chuỗi hạt, lưng còng xuống, xương sườn phơi ra tựa như sườn nhà bị đổ, hai mắt hõm vào như sao dưới đáy giếng sâu thẳm. Khi sờ da bụng lại đụng xương sống, đi lại té tới ngã lui, Ngài cứ phải đập nhè nhẹ vào thân làm cho tỉnh táo, thì lông từ da không còn sức bám rơi xuống lả tả; nước da trước kia hồng hào tươi mát, lúc đó chỉ còn thấy là màu sạm đen như da người chết! Ngài xứng danh là đệ nhất khổ hạnh, được mọi người tôn xưng là Thánh nhân. 

– NGÀI CHỈ CÒN DA BỌC XƯƠNG –

Mặc dù khổ hạnh khắc nghiệt đến cùng cực như thế, cũng không tìm ra được manh mối gì. Và mặc dù không ai tinh tấn bằng tu sĩ Tất Đạt Đa, các tu sĩ vẫn cho là cần phải tiếp tục khổ hạnh để đạt chân lý. Tiếc thay, càng đì thân khốc liệt bao nhiêu thì Ngài càng xa rời mục tiêu đi tìm Niết Bàn bấy nhiêu. (Thực ra, lúc đó Ngài cũng không biết trạng thái Niết Bàn là như thế nào, Ngài chỉ nghĩ đó là trạng thái không phiền não nếu đã tận diệt mọi hình thức ái dục.)

8 - TU trung đạo

Sau khi trải qua thời gian dài khổ hạnh như thế, cái chết đã gần kề. Đạo quả chân lý chẳng thấy đâu, trí thức lại suy giảm, tinh thần thì mệt mỏi. Cho đến một ngày kia, sau 6 năm dài đày đọa thân thể Ngài ngất xỉu ở bìa rừng, may nhờ cô bé chăn cừu Tu Xà Đề cứu sống bằng chén sữa.

– ĐỨC PHẬT THỌ DỤNG SỮA CỦA CỦA CÔ BÉ TU XÀ ĐỀ –

Khi tỉnh dậy, Ngài tỉnh ngộ, nhận ra sự sai lầm của pháp tu khổ hạnh. Bèn xuống sông Ni Liên Thiền tắm gội. Ngài nhận ra thân này là quý, vì thân kiệt quệ, mệt mỏi thì tinh thần cũng kiệt quệ mệt mỏi không thể sáng suốt. Ngài quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh. Cũng như trước kia Ngài đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng sung sướng nơi hoàng cung, vì Ngài cho rằng đời sống lợi dưỡng làm chậm trễ tiến bộ đạo đức. Ngài đã đặt chiếc bát thọ thực xuống dòng sông Ni Liên Thiền và thệ nguyện sẽ đạt được giác ngộ rốt ráo. Chiếc bát đã trôi ngược theo dòng nước.

– NGÀI THẢ CHIẾC BÌNH BÁT ĐỂ THỆ NGUYỆN –
– CHIẾC BÌNH BÁT ĐÃ TRÔI NGƯỢC DÒNG NƯỚC NHƯ CHỨNG MINH CHO THỆ NGUYỆN CỦA NGÀI SẼ ĐẠT ĐƯỢC-

Năm anh em tu sĩ Kiều Trần Như thấy Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh liền chê trách: “Tu sĩ Tất Đạt Đa đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng và đã quay về với đời sống lợi dưỡng”. Họ liền bỏ Ngài mà đi về phía Vườn Lộc Giả (Vườn Nai / Sarnath).

Không vì thế mà thối chí ngã lòng. Bấy giờ, tu sĩ Tất Đạt Đa nghĩ rằng: “Ta đã đi tìm hết các nơi, không có một ai đủ khả năng dẫn dắt ta thành tựu mục tiêu mà ta mong muốn. Bởi vì chưa ai ra khỏi sự vô minh

“Ngài đã thấu suốt tất cả các pháp thế gian và đã dứt trừ tất cả các pháp đó. Ngài biết rằng, chỉ có Con Đường Trung Đạo mới là đúng đắn.”

Rồi một mình đi dọc theo con sông Ni Liên Thiền, vào sâu trong rừng,cách xa làng mạc. Ngài thẳng tiến đến cây Tất Bát La (Pipphala) to lớn, trải cỏ Kusha (một loại cỏ thơm mà Ngài được 1 anh nông dân cúng dường) làm toạ cụ rồi kết tòa ngồi kiết già.

Ngài đã phát nguyện rằng: “Nếu Ta không chứng được quả vị Vô Thượng Bồ Đề thì dù có thịt nát xương tan. Dù có mất mạng Ta cũng quyết không rời khỏi chỗ này”. (cũng chính vì vậy mà cây Tất Bát La sau này được gọi là cây Bồ Đề)

9 - thành đạo

Ngài nhớ lại buổi lễ Hạ Điền năm xưa, khi còn thơ ấu, trong lúc phụ hoàng và mọi người chăm chú cử hành lễ hội với các trò vui, Ngài đã ngồi thế nào dưới bóng mát mẻ của cây trâm, tham thiền nhập định và đắc được Sơ Thiền. Càng tư duy, Ngài càng thấy rõ đây mới thật là con đường tu tập dẫn đến Giác Ngộ

Nhớ lại pháp thở khi còn nhỏ, bây giờ thử lại Ngài nhanh chóng đạt được kinh nghiệm khi xưa. Nếu không nói là tâm Ngài giờ đây còn lặng yên hơn khi xưa rất nhiều. Vì thế Ngài nhất quyết chọn pháp này để tu cho đến khi giải thoát. Ngài bắt đầu chú tâm vào hơi thở, rồi buông thả hơi thở, quay vào trong tâm, lặng lẽ thiền định để tìm ra những chân lý cao sâu thâm diệu hầu giải quyết bài toán phức tạp sinh lão bệnh tử.

Khi Ngài đang ngồi thiền thì bất chợt có một cơn mưa trái mùa rất lớn. Thần rắn Naga liền bò ra khỏi hang, quấn mình quanh chỗ ngồi của Ngài 7 vòng để nâng Ngài lên và dùng đầu của mình để che mưa cho Ngài.

Ngài đã lần lượt nhập Sơ ThiềnNhị ThiềnTam Thiền và Tứ Thiền. Khi tâm Ngài hoàn toàn định tỉnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, bình tĩnh… Ngài nhập vào Kim Cang định, dùng định lực Kim Cang Tam Muội chặt đứt vô minh – chi đầu tiên trong vòng 12 nhân duyên của Lục Đạo Luân Hồi. Tức là Ngài đã giải quyết xong vô minh, đoạn trừ sinh tử ưu bi khổ não không còn nữa.

Ma vương Ba Tuần (Vasavatti) và đoàn tùy tùng đã đến để quấy nhiễu Ngài. Ma vương đã hiện ra các cảnh trong Ngũ Dục (Ngũ Dục gồm: Sắc dục, Thính dục, Huơng dục, Vị dục, Xúc dục hoặc các dục như: Tài dục, Sắc dục, Danh dục, Thực dục, Thuỳ dụcđể Thái tử khởi niệm ham muốn, ưa thích với mục đích cản trở Ngài thành tựu đạo quả Giác Ngộ. Khi ấy, Ngài chỉ tuyên bố: “Cái đấy ta bỏ rồi. Không cần nữa”; “Cái đấy ta vứt đi rồi. Nó chỉ là đờm dãi mà thôi”. 

– MA VƯƠNG BA TUẦN KÉO ĐẾN CHỐNG PHÁ THÁI TỬ ĐẮC ĐẠO DƯỚI CÂY BỒ ĐỀ –

Không chịu dừng lại, ma vương Ba Tuần còn cho các con gái của ông ta đến quấy phá. Khi con gái của ma vương hiện đến, Ngài tuyên bố chân lý: “Ái là khổ, tham tài là khổ, tham sắc là khổ, tham danh là khổ”.

– CON GÁI CỦA MA VƯƠNG BA TUẦN BIẾN HOÁ THÀNH NHIỀU HÌNH NỮ SẮC ĐẸP ĐỂ QUYẾN RŨ THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA –

Nhờ tu tập pháp độ trong nhiều kiếp nên Ngài đã nhiếp phục ma vương một cách dễ dàng. Cuối cùng ma vương cũng bị khuất phục và thành tâm đảnh lễ với Ngài.

Trong đêm thứ 49, vào lúc đầu đêm (canh Một), Ngài quán tưởng đến các duyên khởi, hướng về tuệ giác liên quan đến sự nhớ lại những kiếp quá khứ của chính mình. Phá tan được lớp vô minh, Ngài tự mình nhìn ra được vô số kiếp của mình. Tất cả những gì xảy ra từ nhiều kiếp quá khứ hiện ra trong nhận thức của Ngài như một cuốn phim trước mặt. Sinh ra, chết đi, tái sinh…. Hết đời này qua đời khác… Làm con người này, làm con người kia… như thế nào Ngài đều rõ biết. Đây là tuệ giác đầu tiên Ngài chứng ngộ gọi là Túc Mạng Minh. Bấy giờ Ngài mới bắt đầu hướng về tri giác liên quan đến hiện tượng Sinh, Diệt của chúng sinh. 

Đến nửa đêm, Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh, thấy được cả vũ trụ bao la, sự hình thành và hủy diệt của thế giới, của nhiều thế giới. Với Thiên Nhãn Minh thanh khiết và siêu phàm, Ngài thấy sự sống và sự chết của chúng sinh. Ngài biết người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh…v.v… Tất cả đều trải qua diệt và sinh, sinh và diệt, tuỳ vào hành vi tạo tác hạnh nghiệp tốt xấu thiện ác của mỗi người mà thọ sanh luân hồi trong 6 cõi: Trời, người, Atula, súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục. Như vậy với Thiên Nhãn Minh, Ngài mục kích sự phân tán và sự cấu hợp trở lại của chúng sanh và tất cả thế giới.

lục đạo luân hồi

Đến cuối đêm, vào lúc sao mai mọc, Ngài chứng được Lậu Tận Minh, nhận rõ chân tướng nguồn gốc sanh tử luân hồi là sự mê mờ gọi là vô minh. Ngài biết như thật “đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến diệt khổ”. Ngài biết như thật “đây là những ô nhiễm (lậu hoặc), đây là nguyên nhân của các lậu hoặc, đây là sự diệt trừ những lậu hoặc, đây là con đường diệt trừ các lậu hoặc”. 

Lần lượt Ngài nhận thức tiếp : “Đây là phiền não, đây là nguyên nhân của phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường đưa đến chấm dứt phiền não”.. v.v… và. v.v… Nhận thức như thế, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), thoát khỏi hữu lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời sống) và thoát khỏi vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh). Và Ngài hoàn toàn Giác Ngộ. Bấy giờ Ngài biết mình đã được giải thoát. Trong khoảnh khắc đó, ba thân của Ngài hợp nhất (Pháp Thân – Báo Thân – Hoá Thân). Trong đó, “Hoá Thân” chính là thân xác mà Ngài đã đản sanh tại Trái Đất – là thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ trở thành Phật. “Báo Thân” chính là tất cả công đức vô lượng từ hằng hà sa số kiếp của Ngài. Còn “Pháp Thân” của Ngài chính là Đức Phật Đại Nhật Như Lai. Tìm hiểu về 3 Thân Của Đức Phật tại đây.

Ngài nhận thức rằng: “Tái sanh đã chấm dứt, đời sống Phạm Hạnh đã viên mãn, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”  (Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Saccaka, số 37, trang 541-543)

Màn vô minh đã hoàn toàn biến mất và trí tuệ phát sanh. Đêm tối đã tan và ánh sáng tràn ngập đến. Tu sĩ Tất Đạt Đa lúc đó 35 tuổi. Suốt 6 năm dài đằng đẵng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không được sự hướng dẫn từ một năng lực siêu phàm nào, cô độc một mình, tự nỗ lực chiến đấu chính mình và tự mình thắp đuốc mò mẫm đi trong đêm tối.

Ngài thấu triệt cùng khắp chân lý vũ trụ, thần thông quảng đại, đạt được Đạo Vô Thượng, trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác nên Ngài được gọi là Bậc Toàn GiácNhư Lai, hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Sau khi thành đạo, Ngài đã nói: “Than ôi! Chúng sanh vốn đầy đức tướng trí huệ tựa Như Lai, nhưng chỉ vì vô minh che lấp nên phải sanh tử luân hồi đấy thôi!

Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo vào lúc bình minh khi sao Mai mọc, ngày trăng tròn tháng 4 năm 588 Trước Công Nguyên. Ngài đã hoàn toàn Giác Ngộ. Ngài đã tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái. Thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, đã trở thành một vị Phật lịch sử.

Đức Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật có thật trong lịch sử.
Vì sau mấy ngàn năm, tư liệu sử sách vẫn còn để lại: 
- Cha: Đức Vua Tịnh Phạn nước Ca-Tỳ-La-Vệ (Bắc Ấn Độ)
- Mẹ: Hoàng hậu Mahãmaya (băng hà sau khi sanh Thái tử 7 ngày)
-Mẹ kế: Vương phi Mahã Pajãpati Gotami
-Ngày sanh: Rằm tháng 4 Âm lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni, nước Nepal 
-Thành hôn với công chúa Da-Du-Đa-La: Năm 16 tuổi
- Đến 29 tuổi có con đầu lòng là: La-Hầu-La
- Bỏ hoàng cung xuất gia: Ngày 8 tháng 2, vào năm 29 tuổi
- Thành đạo: Ngày 8 tháng 12. Năm 35 tuổi tại Buddha Gaya, Ấn Độ
- Hoằng pháp: 45 năm
- Nhập Niết Bàn : Rằm tháng 2, thọ 80 tuổi tại Kusinãrã, Ấn Độ.

Hiện nay, vẫn còn các thánh tích (Tứ Động Tâm) ghi lại những nơi Đức Phật đã đi qua do các nhà khảo học người Anh tìm thấy. Như Lâm Tỳ Ni là nơi Đức Phật đản sanh. Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha Gaya khoảng 10 cây số cách nhà ga xe lửa Gaya) là nơi Đức Phật thành đạo. Vườn Lộc Uyển, bây giờ là Sarnath, Ấn Độ, là nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, giảng bài kinh Tứ Diệu Đế và Vô Ngã Tướng độ cho 5 anh em Kiều Trần Như đắc quả A-La-Hán. Nơi Đức Phật diệt độ là Kusinãrã (bây giờ gọi là Kasi, khoảng 40 cây số cách nhà ga Gorakhpur, Ấn Độ).

TỪ KHI THÀNH ĐẠO ĐẾN LÚC NHẬP NIẾT BÀN

1. ĐỨC PHẬT HÀNH ĐẠO

Sau khi thành Đạo, Đức Phật Thích Ca quán khắp vũ trụ, Ngài thấy có vô lượng thế giới, quán chúng sinh Ngài biết mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Vì chúng sinh ngụp lặn trong si mê tối tăm nên phải trầm luân trong vòng lục đạo luân hồi không có ngày ra khỏi. Ngài quán và biết rằng con người hiểu được giáo lý nếu Ngài nói ra, và có người kham nhận được sự tu hành. Do đó, Đức Phật quyết định sẽ giáo hóa chúng sinh cho dù có khó khăn như thế nào đi nữa. Ngài cũng phải làm nhiệm vụ của bậc Phật như tất cả Chư Phật của tam thiên đại thiên thế giới đã làm, đang làm và sẽ làm để dẫn dắt chúng sanh ra khỏi khổ đau và được giải thoát. Sự hoằng pháp của Đức Phật dựa trên ba nguyên tắc:

Nguyên tắc 1: Hành Đạo theo thứ lớp

Bắt đầu Đức Phật nghĩ đến việc độ cho các bậc thiện tri thức là những người không còn nhiều trần cấu nhiễm ô, nghĩ đến đạo sĩ Alamara Kalama là vị đạo sư mà lần đầu tiên Ngài tìm đến tham học. Ngài dùng tuệ nhãn thì biết được vị này mới từ trần bảy ngày, Đức Phật lại nghĩ đến Uddaka Ramaputta là vị thứ hai, dùng tuệ nhãn, Ngài thấy vị này cũng vừa qua đời mới được một ngày!

A- Ba tháng đầu:

Đức Phật nghĩ đến năm vị đồng tu khổ hạnh, Ngài bèn đi đến vườn Lộc Uyển xứ Ba La Nại (Benares) gặp năm anh em đồng tu là Kiều Trần Như (Kondana), Kiều Trần Na (Bạc ĐềBhaddiya), Kiều Trần Nhi (Thập Lực Vappa), Kiều Trần Thi (Ma Ha NamMahãnãma), và Kiều Trần Nga (Ác Bệ Assaji).

Lúc đầu, năm vị thấy Đức Phật đến đều tỏ ra nghi ngờ và chỉ trích lối sống của NgàiĐức Phật phải giải thích đến lần thứ ba rằng: “Không có vấn đề sống xa hoa trở về đời sống lợi dưỡng, Ta chỉ làm sao cho thân thể đủ sức chịu đựng để hành thiền kiên cố mà thôi. Đó là con đường trung đạo cần phải theo, và bây giờ Ta đã thành Đạo, đạt qủa vô sinh bất diệt, nếu người nào hành đúng như lời Như Lai dạy cũng sẽ chứng ngộ. Hơn nữa, nếu Như Lai không biết các ông ở đâu, làm sao tìm đến đây được? Vả lại, Ta chưa bao giờ nói những lời này với các ông, như vậy các ông đủ hiểu rồi 

Bấy giờ năm vị mới chỉ tin được một phần, phải đến khi cả năm vị toạ thiền dùng thiền định mà nhìn Đức Phật. Khi đó, họ mới thực sự tin và từ bỏ lối tu khổ hạnh. Chịu làm đệ tử và nghe Giáo pháp của Ngài. Trở thành 5 vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca.

– ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP CHO 5 ANH EM KIỀU TRẦN NHƯ –

Bài giảng đầu tiên là Tứ Diệu Đế”. Chúng sinh do chịu “Sinh, lão, bệnh, tử” nên khổ. Muốn khỏi khổ phải tìm nguyên nhân của khổ là do “Tham, sân, si, ngã, mạn…”, và phải diệt khổ bằng “Bát Chánh Đạo” là “Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chính Ngữ, Chánh Mệnh, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định”.

-ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP TỨ DIỆU ĐẾ CHO 5 ANH KIỀU TRẦN NHƯ –

bát chánh đạo
– BÁT CHÁNH ĐẠO –

Cả năm vị học và hành trì dần dần đều đắc quả Thánh, nhưng vị đắc qủa A La Hán (Quả Ariya là quả A La Hán, Ariya có nghĩa là cao qúy) đầu tiên là Ngài Kiều Trần Như. Vậy chúng ta có thể nói rằng Tăng đoàn Phật giáo đã được thành lập ngay vào năm thứ nhất kể từ lúc Đức Phật chứng đạo

Trong Tương Ưng Bộ Kinh V, chương 12, phẩm II, kinh Chuyển Pháp Luân, trang 611 ghi như sau:

Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp Tứ Diệu Đế, thành kiến mê lầm tan vỡ, trí tuệ siêu thoát xuất hiện, năm vị này được Giác Ngộ, chứng nhập quả vị A La Hán. Đó là năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca.”

Như vậy Tam Bảo được hình thành từ đây. Phật bảoĐức Phật thích Ca; Pháp bảo là bài pháp Tứ Diệu Đế; Tăng bảo chính là năm anh em Kiều Trần Như.

TỨ DIỆU ĐẾ
– TỨ DIỆU ĐẾ –

Thời ấy, tại Ấn Độ, ngoài quan điểm sống theo lối khổ hạnh để giác ngộ, còn có quan niệm cho rằng con người chết là hết, linh hồn và thân xác tan biến, tất cả chẳng còn gì. Hãy ăn uống tận hưởng mọi lạc thú ở đời, không cần biết đến đạo đức. Khoái lạc là thực tế, không cần phải kiểm soát dục vọng. Không có luân hồi, không có tái sinh, không có quả báo thiện ác, tất cả chỉ là bản năng tự nhiên mạnh được yếu thua v.v… Do đó, Đức Phật đã phải đối phó với các quan điểm sai lầm ấy.

B- Mở rộng Tăng đoàn: 

Sau khi có năm đệ tử đầu tiên, Đức Phật giáo hóa 55 vị Bà La Môn giáo mà ông Da Xá (Yasa) là người dẫn đầu. Số người này cùng với năm vị đầu tiên hợp lại là 60 và kể như thiết lập Tăng đoàn từ đây.

– ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP ĐỘ CÔNG TỬ YASA. HÔM SAU, CHA MẸ YASA CŨNG ĐẾN NGHE PHÁP VÀ XIN QUI Y NGÀI –

Ngài dạy về “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo”. Cha mẹ và vợ của ông Da Xá là Phật tử tại gia đầu tiên của Đức Phật. Sau ba tháng 60 vị đệ tử Phật đầu tiên này đã hành trì vững chắc và giữ giới luật đầy đủ, đều đắc quả vị A la HánĐức Phật thọ ký và cho các vị ấy đi hành đạo các nơi.

C- Thu nhận hàng loạt đệ tử: 

Còn Ngài đi xuống phía Nam đến xứ Ưu Đầu Tuần La, thu phục Mãng Xà Lớn trong phòng thờ lửa của người đứng đầu Đạo thờ Thần lửa U Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvelã Kassapa). Vị này đem 500 đệ tử cùng xin xuất gia theo Đức Phật tu hành. Vị này có hai người em đều ở mỗi người một nơi, một người tên Nadi Ca Diếp (Nadĩ Kassapa) có 300 đệ tử, và Gaya Ca Diếp (Gayã Kassapa) có 200 đệ tử. Cả hai người cũng thờ Thần lửa, khi thấy người anh đã theo Đức Phật tu hành, họ đã cùng với đệ tử đến theo Ngài tu hành.

– ĐỨC PHẬT NHIẾP HÓA MÃNG XÀ, TRONG ĐỀN THỜ LỬA CỦA TU SĨ U LÂU TẦN LOA CA DIẾP –

Ngài giảng cho 1000 đệ tử này về: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nằm trong lửa, lửa từ tham ái, sân hận, si mê, sinh già bệnh chết, buồn phiền, đau khổ, tuyệt vọng; hãy quán nhàm chán hình sắc âm thanh, hương vị xúc, chán luyến ái. Do sự nhàm chán dứt khoát ấy, được giải thoát. Tất cả đều hành trì dũng mãnh lời Phật dạy nên đều chứng quả Thánh.

D- Thu nhận hai đệ tử quan trọng: 

Sau khi thu nhận hơn 1000 đệ tử, Đức Phật đến nước Ma Kiệt Đà để thực hiện lời hứa với Vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra hay còn gọi là Bình Sa Vương) là “Khi Ngài đắc Đạo sẽ trở lại”. Khi Vua biết Ngài đã đắc Đạo rồi, vua mừng rỡ đã cúng dường Phật và Tăng chúng Đạo tràng Trúc Lâm”.

– ĐỨC PHẬT ĐỘ VUA BIMBISARA (BÌNH SA VƯƠNG), VÀ ĐƯỢC VUA DÂNG CÚNG NGÔI TRÚC LÂM TỊNH XÁ, LÀ NGÔI CHÙA ĐẦU TIÊN CỦA PHẬT GIÁO –

Lúc ấy, Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Kolita) cư ngụ gần thành Vương  (Rãjagaha), là bạn với nhau, có chí học đạo, đã tìm đến nhiều thầy, và học hết chữ thầy rồi cũng chưa thỏa mãn. Một hôm, Xá Lợi Phất thấy một Sa Môn đang đi khất thực trong thành Vương Xá với oai nghi của bậc Thánh nhân, nên để ý và đến hỏi. Vị này cho biết tên là Ác Bệ (Assaji) và qua câu chuyện, Xá Lợi Phất được Tôn giả Ác Bệ cho biết giáo pháp vắn tắt đã học là “Tất cả ở đời đều do nhân duyên sinh, Như Lai chỉ rõ nhân duyên ấy và cách diệt, đó là giáo huấn của vị Đại Sa Môn”. Nghe những lời ấy, Xá Lợi Phất thấy trí tuệ bừng sáng, nên hỏi tiếp và được biết vị Đại Sa Môn đang ở “Đạo Tràng Trúc Lâm”.

-SARIPUTTA (XÁ LỢI PHẤT) NGHE TÔN GIẢ ASSAJI ĐỌC MỘT CÂU KỆ, LIỀN GIÁC NGỘ, XIN XUẤT GIA THEO PHẬT. VỀ SAU TRỞ THÀNH VỊ THÁNH ĐỆ TỬ TRÍ TUỆ ĐỆ NHẤT CỦA PHẬT-

Xá Lợi Phất liền đến tìm Mục Kiền Liên nói lại cơ duyên của mình và nói những lời Tôn giả Ác Bệ đã nói, Mục Kiền Liên nghe rồi cũng tỏ sáng vô cùng. Hai người hân hoan đem theo một số bạn đến Đạo Tràng Trúc Lâm xin xuất gia học đạo, đều được Đức Phật thu nhận. Chỉ trong ít ngày cả hai vị đều đắc quả A La Hán, được Đức Phật ấn khả cho hai vị Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên là thượng thủ bậc nhất tăng đoàn. 

Sau đó Đức Phật gặp Trưởng giả Cấp Cô Độc là người giàu có bậc nhất tại nước Xá Vệ. Trưởng giả đã phát tâm rộng lớn xây cất Đạo Tràng Kỳ Hoàn ở phía Bắc Ấn Độ để cúng dường đức Phật và đại chúng Tăng.

– TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC CÚNG DƯỜNG –

Trưởng giả Cấp Cô Độc tên thật là Tu Đạt. Do ông có hạnh bố thí giúp đỡ những người nghèo khó neo đơn nên ông được người đời gọi là Cấp Cô Độc.

Vì tôn kính Đức Phật, ông quyết tâm phải cúng dường Đức Phật một tinh xá để Ngài cùng tăng đoàn có chỗ lưu trú và thuyết pháp tại kinh thành Xá Vệ. Sau khi xem xét, ông thấy rằng chỉ có vườn Kỳ Viên của thái tử Kỳ Đà là ổn nhất, ông bèn đến hỏi mua.

Vì không muốn bán khu vườn nên thái tử Kỳ Đà bèn nói thách:
“Ta nào có thiếu thốn tiền bạc chi mà đến nỗi phải bán khu vườn ấy? Nhưng nếu ông muốn mua thì hãy mang vàng mà lót kín mặt đất, ta sẽ bán cho.”

Và trưởng giả Cấp Cô Độc làm thật !

Điều này làm thái tử Kỳ Đà rất sửng sốt. Sau khi thái tử hỏi rõ duyên cớ gì mà lại quyết tâm mua khu vườn này đến vậy, trưởng giả Cấp Cô Độc mới thuật rõ nguyên nhân vì lòng tôn kính Phật và điều này làm thái tử Kỳ Đà động lòng. Thái tử cũng phát tâm cúng dường một phần khu vườn và toàn bộ cây trong vườn cho Đức Phật.

Vì vậy về sau, trong các kinh điển thường nói rằng “ Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” tức là “cây của thái tử Kỳ Đà vườn ông Cấp Cô Độc”.

E- Trở về thăm quê hương:

Lúc ấy vua Tịnh Phạn (Suddhodana) nghe tin Ngài đã thành Phật, liền sai sứ giả đi mời Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavathu). Nhưng chín lần cử chín sứ giả đi mà không có người nào trở lại. Vì các vị này đến được Đức Phật thuyết pháp nghe rồi ở lại xin xuất gia học Đạo. Tới vị sứ giả thứ mười tên Tu Đà Di (Kãludãyi), vị này cũng ở lại học đạo, nhưng vẫn nhớ lời Vua, nên sau khi đắc đạo bèn thỉnh Phật về thăm Vua.

– ĐỨC PHẬT VỀ LẠI QUÊ NHÀ. THẤY CON KHẤT THỰC NGOÀI ĐƯỜNG, VUA TỊNH PHẠN BẤT NHẪN, CHẠY ĐẾN TRÁCH HỜN –

Dọc đường trở về nơi sinh thành trong hai tháng, gặp người nào Đức Phật cũng giáo hóa, độ cho hết thảy. Khi về tới thành Ca Tỳ La VệĐức Phật chỉ ở lại có bảy ngày, nhưng đã giáo hóa tất cả hoàng gia. Sau đó có nhiều vị trẻ trong hoàng gia theo Ngài xuất gia tu đạo, như Nan ĐàA Nan Đà, A La LuậtLa Hầu La (là con ruột của Ngài lúc ấy mới bảy tuổi) v…vv….

– ĐỨC PHẬT DẠY TÔN GIẢ SARIPUTTA (XÁ LỢI PHẤT) XUẤT GIA SA DI CHO RAHULA (LA HẦU LA) –

Không bao lâu sau, Đức Phật biết Vua cha bệnh sắp qua đời liền về thăm, thấy Vua buồn rầu, Ngài nói về lý “vô thường, khổ, không, vô ngã”. Nghe xong, gương mặt vui tươi, Vua cất tiếng niệm Phật rồi băng hà nhẹ nhàng.

– ĐỨC PHẬT ĐỘ VUA TỊNH PHẠN –

Sau khi Vua Băng hà, Dì mẫu của Đức Phật là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahã Pajãpaĩ) có con trai là Nan Đà (Nanda) đã xuất gia, và con gái tên Nan Đề (Nandã) (về sau cũng xuất gia), bà xin xuất gia lấy tên là Đại Ái Đạo. Công chúa Da Du Đà La (là vợ của Thái tử Tất Đạt Đa) cũng xin xuất gia. Bà Đại Ái Đạo nhờ Tôn giả A Nan xin giùm Đức Phật chấp nhận cho bà được xuất gia và thành lập Ni đoàn với điều kiện phải tuân thủ giới luật do Đức Phật đưa ra.

– TÔN GIẢ A NAN THA THIẾT KHẨN CẦU ĐỨC PHẬT CHO PHÉP DI MẪU MAHA PAJAPATI ĐƯỢC XUẤT GIA TU TẬP-

Nguyên tắc 2: Hành Đạo Tuỳ Phương Tiện

Trong suốt đời đức Phật hành đạo, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những lúc Ngài phải đương đầu với những khó khăn chống đối; sự chống đối này thường là do những đạo sư của những ngoại đạo, tà đạo mê tín, và ngay cả những người muốn tranh giành với Ngài, nhưng tất cả đều được Ngài giải quyết êm xuôi.

A- Đối phó với khó khăn: 

Như có lần bị Bà La Môn chửi bới thậm tệ, Ngài làm thinh không trả lời. Chửi bới một lúc thật lâu không thấy Đức Phật phản ứng gì cả, người ấy hỏi: “Sao ông bị chửi như thế mà không trả lời?Ngài hỏi lại để đáp: “Nếu ông đem tặng quà cho người khác mà người đó không nhận, quà ấy thuộc về ai?”. Người ấy trả lời: “Quà ấy thuộc về tôi”. Ngài nói: “Lời ông chửi từ nãy đến giờ tôi không nghe, không nhận, trả lại cho ông”, lúc đó người ấy mới thôi chửi. Cũng có trường hợp tương tự như thế, nhưng Đức Phật trả lời cách khác là : “Những lời chửi rủa cũng như người nhổ nước bọt từ miệng phun ra ngược chiều gió, chỉ làm dơ mặt người nhổ mà thôi”.

– BÀ LA MÔN CHỬI MẮNG ĐỨC PHẬT –

Có lần, con gái của ngoại đạo tên Cincna mang cái bụng to tướng đến la lối trước mọi người rằng “Cái bào thai trong bụng mà tác giả là Sa Môn Cồ Đàm”, và đòi phải giải quyết ổn thỏa; Đức Phật chỉ im lặng, rồi Ngài dùng thần thông làm rơi cái bụng giả của cô gái ra, mọi người cười ồ, cô gái xấu hổ cúi đầu đi mất, không dám nhìn lại. Sau đó đã chết vì đất sụp.

– NÀNG CINCNA GIẢ MANG THAI ĐẾN HỘI CHÚNG VU CÁO ĐỨC PHẬT. VIỆC BẠI LỘ, NÀNG XẤU HỔ BỎ ĐI –

Trong hạ thứ 20, Đức Phật gặp Angulimala là người đã chặt 999 ngón tay của 999 người. Ngài dùng thần thông khiến kẻ ác không thể đuổi bắt Ngài được đến kiệt sức mà phải thốt lên: “Sa Môn, hãy dừng lại”. Ngài đáp: “Ta đã dừng từ lâu, còn ông chưa dừng bước”. Angulimala nói: “Tôi đã dừng rồi, Sa Môn còn đi, tại sao ông lại nói rằng tôi không dừng, còn ông đã dừng, tại sao ông nói thế?Ngài đáp: “Như Lai đã dừng luôn và mãi mãi, Như Lai đã dứt bỏ không còn hành hung một sinh vật nào, còn ông tiếp tục sát hại đồng loại với bàn tay đẫm máu, vì vậy Như Lai đã dừng và ông chưa dừng”. Nghe đến đó, Angulimala quăng bỏ hết vũ khí, đi đến gần Đức Phật quỳ lạy xin Ngài chấp thuận cho được theo học đạo, và đã được Ngài chấp thuận, sau đó Angulimala tinh tấn tu hành không bao lâu đắc quả A La Hán.

– ĐỨC PHẬT CẢM HÓA ANGULIMALA, KẺ CUỒNG SÁT GIẾT NGƯỜI LẤY NGÓN TAY KẾT THÀNH CHUỖI. SAU ĐÓ, VỊ NÀY XUẤT GIA TU TẬP, TRỞ THÀNH THÁNH TĂNG –
B- Chấn chỉnh Tăng đoàn:

Ngay cả trong Tăng đoàn, cũng có nhiều vấn đề, như lúc đầu Tăng chúng thọ dụng thức ăn không có khuôn khổ chừng mực, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối đủ cả. Đức Phật căn cứ vào những sự phiền hà và sự cần thiết cho việc tu hành. Dần dần Ngài lập ra giới luật càng ngày càng đầy đủ, chặt chẽ hơn như chỉ ăn mỗi ngày một bữa trước buổi trưa.

Đối với việc tu hành của tu sĩ, Đức Phật đã tùy trường hợp để chỉ dạy, chứ không nhất thiết phải theo một đường lối nhất định cho mọi người. Đối với người thông minh hay đần độn, Ngài đều có những cách khác nhau để hướng dẫn. Như Tôn giả Chu Lợi Bàn Dặc Ca đần độn tụng một bài kệ bốn câu trong ba tháng không thuộc. Khi thì sai đầu, khi quên đuôi, Đức Phật thấy thế ban cho cách “đếm hơi thở ra vào lần đầu đếm một, hơi thở ra vào lần thứ hai đếm hai, cứ thế đếm đến mười, rồi lại đếm từ một đến mười như thế mãi mãi”. Sau đó ít lâu Tôn giả thấy tâm thanh tịnh không một gợn sóng, được Phật chứng cho đạt bậc Thánh.

Tôn giả Đà La Nan Đà thường hay loạn động vì nghĩ đến tham dục, Đức Phật dạy quán tướng trắng trên đầu chót mũi. Tôn giả La Vân hay buồn phiền lo nghĩ, được Đức Phật dạy quán biết hơi thở ra vào dài ngắn, hơi thở vào dài biết hơi thở vào dài, hơi thở ra ngắn hay lạnh, hay nóng, đều biết hơi thở ra ngắn hay lạnh, hay nóng v…vv…; cả hai Tôn giả chỉ trong thời gian ngắn là đắc quả vị A La Hán.

Đối với hết thảy các đệ tử trong khi tu hành ở mọi nơi, Ngài quán sát mỗi ngày, rồi dùng thần thông đến để chỉ bảo.

Nguyên tắc 3: Hành Đạo Theo Tinh Thần Bình Đẳng

Tinh thần bình đẳng là một điểm son trong giáo lý của Đức Phật. Trong Tăng đoàn có đủ các thành phần trong xã hội; từ người thuộc giai cấp cao nhất như hàng hoàng gia vương quyền, Bà La Môn quý tộc, đến hàng dân giả nghèo nhất đều có mặt tu hành và cùng đạt quả Thánh. Tuyệt nhiên không phân biệt hay thiên vị bất cứ một ai, bất cứ một giai cấp nào.

2. ĐỨC PHẬT HÀNH ĐẠO HÀNG NGÀY

Mỗi ngày của Đức Phật thật khít khao không có kẽ hở. Từ 5 giờ sáng ra khỏi phòng thất, làm vệ sinh tắm rửa. Xong ngồi quán sát, hoặc đi kinh hành xong quán sát thế gian xem có ai (kể cả các đệ tử ở khắp các nơi) cần độ trong nhân gian, Ngài dùng thần thông đến liền. Tới 9 giờ sáng thuyết pháp cho chúng Tăng. Từ 10 hoặc 11 giờ đi khất thực, đi thọ trai nếu có người thỉnh. Sau khi thọ trai về, Ngài nằm nghiêng bên phải định thần một lúc.

Tới 1 giờ chiều, Ngài nhập Đại Bi Định quán sát thế gian. Từ 2 hoặc 3 giờ chiều thuyết pháp cho thiện nam tín nữ, Ngài dùng Phật nhãn để nhìn vào tâm tính mỗi người mà tùy căn cơ hóa độ. Từ 7 giờ tối Ngài giảng và giải thích thắc mắc cho đệ tử về đề tài thiền. Tới 9 giờ tối, Ngài ngồi quán sát thế gian, có khi đi kinh hành xong ngồi nhập Đại Định.

Từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, Ngài nhập Đại Định, rải tâm Từ khắp chúng sinh. Nhiều đêm các vị Chư Thiên từ các tầng Trời thường hay đến chiêm bái và học giáo lý của Đức Phật. Tất cả các buổi tham bái ấy đều xảy ra vào từ nửa đêm đến khoảng bốn giờ sáng. Như có lần Vua Trời Đao Lợi, cũng gọi là Đế Thích Thiên, mà người đời gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế đến tham bái Đức Phật trong lúc Ngài đang nhập Định Lửa Tam Muội trong động Nhẫn Đà Bà Là khiến cả vùng núi Tỳ Đà đỏ rực một màu lửa. Như vậy về đêm Ngài thường nhập Đại Định và quán sát thế gian, vũ trụ, hoặc tiếp dạy các vị Chư Thiên cõi Trời.

– Chư Thiên thỉnh Đức Phật giảng Pháp –

Từ 4 giờ sáng Ngài nằm nghiêng bên phải định thần đến 5 giờ sáng.

Mỗi năm Đức Phật đi hành đạo giáo hóa suốt chín tháng không mưa, còn ba tháng mưa, Ngài an cư tại một đạo tràng trong nước Ấn Độ, gọi là “An cư kiết hạ”.

Suốt 45 năm hoằng hoá, dấu chân Đức Phật và các đệ tử của Ngài hằn khắp xứ Ấn Độ. Ở đâu Ngài và đệ tử cũng được đón nhận chào mừng. Từ hàng vua quan đến dân dã, từ người già cả đến các trai trẻ, từ nam tới nữ, từ người giàu đến kẻ nghèo, đều được tắm gội trong Ánh Sáng Trí Tuệ và Gió Mát Từ Bi do Ngài ban rải khắp cùng. Nơi nào có mặt Ngài và đệ tử Ngài, là nơi đó tà giáo, ngoại đạo lui xa, tan biến như bóng tối, sương mai khi ánh mặt trời xuất hiện.

3. CÁC THỜI ĐỨC PHẬT NÓI KINH

Sự nói Kinh được các Phật tử sau này chia ra làm năm thời như sau:

  • Thời thứ nhất: Đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm, khi mới thành đạo. Ngài nói Kinh này để vạch chân tánh, chỉ rõ chỗ cao siêu nhiệm mầu của Đạo Phật
  • Thời thứ haiĐức Phật nói Kinh A Hàm, thời kỳ này dài 12 năm đầu để dạy về tự tu, tự độ cho mình.
  • Thời thứ ba: Đức Phật dạy Kinh Phương Đẳng, thời này dài 8 năm kế. Đức Phật nói: “Đã tự độ rồi, còn phải độ tha”, tức là độ mình và độ cho người, trình độ các đệ tử cao hơn một bậc.
  • Thời thứ tư: Đức Phật nói Kinh Bát Nhã, thời này kéo dài 17 năm; tới thời này, trình độ dạy giáo thuyết cao hơn nữa, tiến tới giáo thuyết chân không, vũ trụ, thật tướng, vô tướng của các pháp.
  • Thời thứ năm: Đức Phật nói Kinh Pháp HoaNiết Bàn, thời kỳ này dài 8 năm. Khi ấy các đệ tử Phật đã thuần thục, có thể gánh vác việc đạo, nên Ngài giảng việc thị hiện vì bản nguyện “Khai thị chúng sinh nhập tri kiến Phật”.
– ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP CHO CÁC ĐỆ TỬ –

Ngài thọ ký cho 1250 đệ tử sẽ thành Phật tùy căn cơ mỗi người mà thọ ký mau hay lâu, và việc thuyết pháp độ sinh của Đức Phật từ đây cũng đã đầy đủ viên mãn.

3. ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

A. Đức Phật tuyên bố nhập Niết Bàn trước ba tháng:

Việc độ chúng sanh đã viên mãn, Ngài chứng tỏ cho mọi người thấy: “Xác thân thường”. Vì xác thân do Tứ Đại: “đất, nước, gió, lửa” tạo thành và sẽ trở về với Tứ Đại.

Cũng như chiếc xe lâu ngày phải cũ hư. Đó là lý vô thường đương nhiên phải như thế. Cái còn lại là giáo lý chân thật, bất hư mà Đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm. Giáo lý chân thật đầy đủ cho tất cả mọi người theo đó mà học hỏi, hành trì để đạt được chân lý giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

B. Đức Phật nói Kinh Di Giáo:

Ngài dặn Tôn giả A Nan là Thị giả của Ngài rằng: “Sau khi Ta Nhập Niết Bàn, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh Pháp, đừng thắp lên với giáo pháp nào khác. Hãy nương tựa nơi chính mình, đừng nương tựa với một pháp nào khác”, Ngài nói tiếp: “Ái ân là vô thường, nếu có sum họp, ắt phải có chia lìa; nhất là thân này không phải ta, mạng sống không tồn tại mãi mãi được”.

C.Đức Phật nhập Niết Bàn:

Năm ấy Đức Phật thọ 80 tuổi. Ngài trở về nước Câu Thi La (Kusinara), tại một làng nhỏ bé xa xôi, nơi rừng Ta La đầy êm ái và an tịnh. Ngài nhập Niết Bàn giữa hai cây Long Thọ (Sa La) vào nửa đêm ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch, năm 543 Trước Công Nguyên. 

Sau đó được dân chúng Mạt La thành Câu Thi cùng các đệ tử Phật cúng dàng thân Phật. Rồi trà tỳ (thiêu) và chia Xá Lợi Phật cho 8 nước rước về xây tháp để mọi người chiêm bái, cúng dường.

– CHIA XÁ LỢI PHẬT CHO CÁC QUỐC GIA HÙNG MẠNH NHẰM HOÁ GIẢI CHIẾN TRANH DO TRANH GIÀNH XÁ LỢI PHẬT –

DIỆU TƯỚNG THƯỜNG THẤY CỦA đức phật thích ca

Không có một tác phẩm, văn bản nào miêu tả rõ ngoại hình của Đức Phật dưới dạng con người cho đến khoảng thế kỷ thứ I TCN, sau thời gian đó thì mới bắt đầu có những mô tả về hình dáng được cho là của Ngài trong Kinh Lakkhaṇa Sutta.

Ngày nay, chúng ta vẽ tranh ảnh Đức Phật, tạo tôn tượng Phật Thích Ca… với các đặc trưng như sau: 

Tóc tượng Phật Thích Ca có thể búi tó hoặc có các cụm xoắn ốc. Phật Thích Ca mặc áo cà sa hoặc áo choàng qua cổ màu vàng hoặc nâu, nếu có hở ngực thì trước ngực không có chữ “vạn” (卍). Đức Phật có thể ngồi trên tòa sen, nhục kế trên đỉnh đầu, đôi mắt mở ba phần tư.

– Tư thế tay: Tay tượng Phật Thích Ca có thể xếp ngay ngắn trên đùi, hai bàn tay bắt ấn thiền, ấn chuyển pháp luân hoặc ấn kim cương hiệp chưởng… Đức Phật cũng có thể cầm một chiếc bát màu đen hoặc xanh đen, dấu hiệu của giáo chủ.

Hình tượng Ngài không nhất thiết phải giống người Ấn Độ. Vì theo quan niệm Phật giáo Bắc tông, nhất là Thiền tông cho rằng, mỗi người đều có Phật tính. Nên người nước nào tạc tượng giống người nước đó. Từ nét mặt cho đến hình tướng. Nên hình tượng thờ trong các chùa không nhất thiết phải giống nhau. Đó là xét trên đại thể, còn các chi tiết tương đối giống nhau.

Kính mời tất cả mọi người xem bộ phim Đức Phật (Buddha) dài 55 tập được chuyển thể từ tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chúc tất cả mọi người có những phút giây xem phim an lạc và những kiến thức Phật học hữu ích.

Đây là bộ phim về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ đản sanh đến niết bàn được đầu tư công phu và chất lượng nhất hiện nay do nhà tỷ phú người Ấn Độ B.K. Modi đầu tư hơn 120 triệu đô la Mỹ.

chân ngôn thần chú của đức phật thích ca

Oṃ Muni Muni Maha Muniye Soha

ཨོཾ་མུ་ནི་མུ་ནི་མ་ཧཱ་མུ་ནི་ཡེ་སྭཱ་ཧཱ།

★ LỢI ÍCH:

Thần chú Phật Thích Ca Mâu Ni có thể được coi là tinh túy của Đức Phật, bản chất của sự giác ngộ của Ngài.

Thần chú được cho là mang bản chất giác ngộ bằng chính âm thanh của các âm tiết. Một cái gì đó tràn đầy năng lượng nhưng khó giải thích. Vì vậy, bản dịch chính xác đôi khi có thể có được trong kinh nghiệm của năng lượng thần chú chứ không phải là những gì chúng ta tập trung vào cái gọi là ý nghĩa của các từ.

Thần chú được miêu tả là “một âm thanh sáng tạo được coi là biểu hiện bản chất sâu xa nhất của sự hiểu biết về vạn vật”, do đó việc đọc thần chú “có thể gợi lên một cách công thức hoặc thậm chí là huyền diệu” một trạng thái siêu việt của tâm trí và năng lượng.

 

THỦ ẤN CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

🙏🏻 Nam Mô A Di Đà Phật 🙏🏻

☆☆☆☆☆☆☆💐💐💐💐💐☆☆☆☆☆☆☆

Khi đọc những điều này. Nếu có chút gì lợi ích cho chúng sinh. Đó là sự diệu dụng của pháp bảo. Xin hồi hướng công đức lành này. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Mọi loài sớm thoát khỏi đường mê. Quay về nẻo giác. Từ bỏ sát sanh hại vật. Phát tâm quy y Tam Bảo. Thọ trì ngũ giới. Ăn chay niệm Phật. Bố thí. Phóng sanh. Người người biết lấy lòng từ bi quý kính lẫn nhau. Thế giới hết nghiệp binh đao. Mưa thuận gió hoà. Quốc thái dân an. Muôn loài dứt sạch phiền não. Oan trái nghiệp chướng tiêu trừ. Thân tâm an lạc. Phước huệ song tu. Đạo quả chóng viên thành. Âm siêu dương thới. Lưỡng lộ tồn vong. Pháp giới chúng sanh đồng thành Phật Đạo.

🙏🏻 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 🙏🏻

(卍) Buddham Sharanam Gacchami (卍)
(卍) Dhammam Saranam Gacchami (卍)
(卍) Sangham Saranam Gacchami (卍)

Thiện Hoá sưu tầm và tổng hợp-

Thiện Hóa
Thiện Hóa

Đời đạo hòa đồng tâm an lạc
Sắc không quy nhứt tánh viên minh

Bình Luận

Tháng 12 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Chủ nhật
Ngày Canh Thân
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 11

Chúng tôi, những thiện nam tín nữ với 1 lòng thành kính hướng về ngôi Tam bảo, xin được phép thành lập trang Bích Tọa Đàm để làm nơi chia sẻ những lời huyền ngọc, những kiến thức Phật học mà chúng tôi đã hữu duyên kiến huệ được. Nếu có sự trùng lặp hoặc chưa đúng. Rất mong được quý vị, chư đồng đạo hoan hỉ bỏ qua. Cùng nhau góp ý xây dựng để hoằng dương Phật pháp. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Muôn loài sớm thoát khỏi đường mê, quay về nẻo giác. Chúng sinh đồng thành Phật đạo.

 – NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT –

Bài viết gần đây

Đăng kí nhận bài viết mới

Đăng kí nhận thông báo về các bài viết mới nhất của Bích Tọa Đàm. 

error: Nội dung được bảo vệ !!

THAM GIA NHÓM FACEBOOK

Hoan hỉ kính mời bạn cùng tham gia vào nhóm của BÍCH TOẠ ĐÀM trên Facebook để cùng nhau tinh tấn tu tập và trao đổi chánh Pháp.
🙏🏻Nam Mô A Di Đà Phật🙏🏻