MỤC LỤC

Luân hồi là gì?

“Luân” là sự luân chuyển, sự thay đổi mang tính chất lặp lại, nối tiếp nhau như một vòng tròn. “Hồi” là hồi sinh, là sống lại, hay còn gọi là sự tái sinh vào một kiếp khác. 

Vậy chúng ta có thể hiểu, “Luân Hồi” chính là sự tái sinh nối tiếp nhau như một vòng tròn lặp lại từ kiếp này qua kiếp khác.

Vì sao chúng ta lại luân hồi?

Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Đại Đệ Tử của Đức Phật là Ngài Mục Kiền Liên với thần thông đệ nhất của mình. Ngài có khả năng đi khắp các cõi khác nhau, thấy rõ bản chất đau khổ của sự sống từ các cõi địa ngục, ngạ quỷ… kể cả của Chư Thiên. Sau đó Ngài quay về, mô tả các cảnh khổ trong sáu đạo lại cho các bạn đồng tu và các Phật tử. Nhờ đó mà mọi người nhận thức được sự đau khổ của sinh tử luân hồi, phát tâm tu tập và một số đã đạt giải thoát.

– ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI –

Nhìn thấy như vậy nên Đức Phật đã dạy các đệ tử của mình là hãy y theo mà vẽ một bảng luân hồi lục đạo để mô tả toàn bộ sự vận hành đời sống, sự vận hành của vạn pháp & sự vận hành của nhân quả. Nhằm mang lợi ích cho tất cả chúng sinh. 

Theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sở dĩ tất cả chúng sinh phải chịu cảnh luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác là vì: tất chúng sinh đều chịu sự chi phối của Tam Độc. Đó chính là Tham – Sân – Si. Nên chưa thể đạt được sự Giải Thoát, chứng ngộ Niết Bàn. Chỉ khi đạt được sự Giác Ngộ một cách rốt ráo và viên mãn. Mới đoạn trừ được Tam Độc. Thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Và Ngài cũng đã chỉ dạy cho tất cả chúng sinh, chỉ có 1 con đường duy nhất để đạt được Giác Ngộ, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đó chính là thực hành Bát Chánh Đạo.

Vòng Tròn Luân Hồi gồm những gì

Vòng Tròn Luân Hồi
Vòng Tròn Luân Hồi

Bức tranh “Luân Hồi Lục Đạo” bao gồm bốn vòng tròn đồng tâm. Vòng Hoặc ở trục trung tâm. Thứ hai là Vòng Nghiệp. Thứ ba là Vòng Khổ. Thứ tư là Vòng Mười Hai Nhân Duyên

Toàn bộ vòng lục đạo luân hồi do Quỷ Vô Thường (hay còn gọi là Thần Chết) nắm giữ bằng hàm răng nanh và tứ chi có móng vuốt sắc nhọn. Bao xung quanh bởi ngọn lửa thiêu đốt ngày đêm, tượng trưng cho sự bức bách của vô thường đau khổ. Tất cả Luân hồi gồm: Hoặc, Nghiệp, Khổ, 12 Nhân Duyên đều nằm gọn trong móng vuốt của con Quỷ Vô Thường. Điều này mang ý nghĩa toàn bộ luân hồi bị chi phối bởi sự vô thường, luân hồi chỉ là đau khổ và vô thường.

Mũ sọ người trên đầu của Quỷ cũng nêu biểu ý nghĩa về vô thường, đồng thời, đuôi của nó dài bất tận nêu biểu sự vô thủy vô chung (tức là không có sự bắt đầu cũng không có sự kết thúc) của luân hồi. Quỷ Vô thường có ba mắt trong đó con mắt thứ ba là mắt trí tuệ, hàm ý rằng sự thức tỉnh về bản chất vô thường giả tạm của cõi luân hồi sẽ tạo động lực đánh thức trí tuệ xuất thế, thôi thúc chúng sinh tiến lên hành trình giải thoát để trở thành Đức Phật giác ngộ.

Phía trên Quỷ Vô thường là cảnh giới Giải Thoát. Là cõi Tịnh Độ của Chư Phật. Ta có thể thấy Đức Phật đang đưa tay ra để tiếp dẫn chúng ta nhưng chúng ta cũng không nhìn thấy bởi còn mãi trầm mình trong vòng luân hồi sinh tử.

Phía dưới Quỷ Vô thường là nghĩa địa, các bộ xương đang đánh bạc, nêu biểu rằng cuộc đời tất cả hạnh phúc đau khổ, tiền tài danh vọng địa vị chỉ là sự may rủi, canh bạc. Bên góc phải họa vẽ các bộ xương đang tranh giành nhau, nói lên chúng ta đã bỏ thân rồi lại nhận thân, cuộc đời chúng ta cứ trôi lăn trong sinh tử.

Tài bảo Thiên vương giữa nghĩa địa với ngọc ngà châu báu xung quanh. Điều này mang ý nghĩa giữa cảnh vô thường chết chóc như vậy nhưng vẫn có sự giàu có cao quý nhất đó là sự giác ngộ.

Ý Nghĩa Của Vòng Tròn Lục Đạo Luân Hồi

Như đã nói, vòng tròn luân hồi bao gồm 4 vòng tròn đồng tâm. Vòng Hoặc ở trục trung tâm. Thứ hai là Vòng Nghiệp. Thứ ba là Vòng Khổ. Thứ tư là Vòng Mười Hai Nhân Duyên.

Lục Đạo Luân Hồi
Lục Đạo Luân Hồi

 

Vòng Hoặc (vòng phiền não)

Vòng Hoặc còn gọi là Vòng Phiền Não. Vòng này nằm ở vị trí trục, trung tâm của bức tranh. Ý nghĩa rằng tất cả chúng sinh đều chịu ba phiền não căn bản. Đó chính là Tham – Sân – Si.

THAM – SÂN – SI chính là nguyên nhân sâu xa và động cơ vận hành vòng quay sinh tử luân hồi.

Vòng Hoặc này sẽ chỉ huy những vòng còn lại và vẽ nên toàn bộ bức tranh luân hồi.

Vòng Hoặc
Vòng Hoặc

 

Ba con vật trong Vòng Hoặc gồm: gà trống, heo và rắn. Tượng trưng tương ứng cho ba phiền não căn bản là tham lam, mê muội và sân giận. Ba phiền não tiêu cực này có mối quan hệ mật thiết với nhau nên được thể hiện bằng hình ảnh ba con vật cắn đuôi nhau chạy vòng quanh. Đây chính là nguồn gốc hình thành thế giới phiền não và bất như ý vô tận mà Đức Phật gọi là cõi luân hồi.

Ở trung tâm của toàn bộ vòng luân hồi là sự biểu trưng của Tâm Thanh Tịnh Nguyên Thủy. Là căn bản giúp chúng ta có thể đảo ngược hoặc phá vỡ vòng sinh tử. Nó cũng thể hiện một triết lý sâu sắc rằng: quán xét một cách rốt ráo, phiền não hay giác ngộ chỉ là hai khía cạnh hợp nhất của một thực tại. Tâm phiền não ô nhiễm sẽ dẫn đến luân hồi còn nếu nhận ra bản chất tâm thanh tịnh vô nhiễm thì vòng quay luân hồi sẽ bị phá vỡ, ngay đó sẽ đạt được giải thoát an vui.

Vòng Nghiệp

Vòng Nghiệp
Vòng Nghiệp

Tham sân si là nguyên nhân gốc rễ điều khiển mọi hành vi: Thân – Khẩu – Ý. Dẫn đến sự tạo Nghiệp.

Nghiệp được thể hiện là vòng tròn được chia làm hai: nửa đen, nửa trắng bao quanh Vòng Hoặc. Nửa bên trái có nền trắng gồm những chúng sinh tạo thiện nghiệp. Nửa bên phải có nền đen gồm những chúng sinh tạo ác nghiệp. Hai nửa của cùng một vòng tròn mang ý nghĩa thiện nghiệp và ác nghiệp luôn xen kẽ và song hành, đắp đổi lẫn nhau trong đời sống luân hồi của chúng sinh. Giống như thực tế cuộc sống là mỗi chúng ta luôn đồng thời tạo ra cả ác nghiệp lẫn thiện nghiệp. Dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp thì nó vẫn bị chi phối trong vòng Nghiệp Lực. Kết quả của những nghiệp này vẫn chỉ làm chúng sinh trầm chìm trong luân hồi.

Tuy nhiên, có một sợi dây mỏng manh nêu biểu cho Trung đạo, nối từ Vòng Nghiệp, dẫn dắt chúng sinh đi lên cảnh giới của chư Phật nằm ngoài vòng luân hồi. Sợi dây tượng trưng cho con đường duy nhất đưa chúng sinh vượt cõi luân hồi đạt được hạnh phúc và tự do giải thoát chân thật.

Vòng Khổ

Là vòng tròn thứ ba, bao quanh Vòng Nghiệp, chia làm sáu phần tương ứng với sáu cõi luân hồi.

Vòng Khổ
Vòng Khổ

 

Sáu cõi luân hồi (hay còn gọi là lục đạo) tiếng Phạn là: Kamadhatu. Là thuật ngữ trong Phật giáo dùng để chỉ về những con đường mà chúng sinh sẽ tái sinh vào sau khi chết.

Trên vòng tròn luân hồi, chúng ta sẽ có 6 cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi bao gồm:

  1. Cõi Trời (Devas)
  2. Cõi A-tu-la (Asura)
  3. Cõi Ngạ Quỷ (Preta)
  4. Cõi Địa Ngục (Naraka)
  5. Cõi Súc Sinh (Tiryagyoni)
  6. Cõi Người (Manusya)

Đặc điểm chung của 6 cõi luân hồi này là vô thường. Tức là đều chịu sự chi phối của THÀNH – TRỤ – HOẠI – DIỆT và THAM – SÂN – SI.

Tất cả chúng sinh sau khi chết sẽ được tái sinh vào một trong sáu cõi này. Tùy theo nghiệp của chúng sinh đã làm khi còn sống. Chúng sinh đó khi sống làm được nhiều việc tốt hay làm nhiều việc xấu sẽ được tái sinh vào các cõi tương ứng.

🌿 Nếu chúng sinh làm nhiều việc phước đức, có phước báu lớn, giữ ngũ giới, sẽ được tái sinh vào các Cõi Trên. Các cõi trên bao gồm: Cõi Trời, Cõi Atula, Cõi Người.

🌿 Nếu chúng sinh làm nhiều việc xấu, sẽ tái sinh vào các Cõi Dưới. Các cõi dưới bao gồm: Cõi Súc Sinh, Cõi Ngạ Quỷ, Cõi Địa Ngục.

Còn những chúng sinh đã chứng quả Thánh, quả A-la-hán thì sẽ không tái sinh vào cõi luân hồi nữa mà sau khi chết sẽ xuất li Tam Giới. Tam Giới bao gồm:

  1. Vô sắc giới (Arupyadhatu), thế giới vô tướng
  2. Sắc giới (Rupadhatu), thế giới của hình thức
  3. Dục giới (Kamadhatu), thế giới của ham muốn. Sáu cõi luân hồi hay lục đạo thuộc về Dục Giới.

Ngoài ra, trong Tam Giới còn phân chia ra thành 31 cõi khác nhau.

Cõi Trời (Devas)

Cõi trời là nơi những người tích lũy nhiều phước báu từ nhiều kiếp được tái sinh. Họ sống trong sự giàu có, hạnh phúc với cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, những chúng sinh ở cõi trời cũng già đi và chết.

 

Cõi Trời
Cõi Trời

Họ được xem như những vị tiên có quyền năng, ban phước hoặc trừng phạt những chúng sinh ở các cõi thấp hơn. Điều này cũng tương tự như chúng ta, con người có quyền cung cấp thức ăn cho con gà hoặc giết chết nó. Hiểu theo cách này, nhiều chúng sinh ở cõi người thường xuyên cúng bái và cầu xin những vị thần tiên này.


Do hưởng được nhiều phước báu và vị thế cao quý từ nhiều kiếp. Một trong số họ chìm đắm vào cuộc sống ở cõi trời, khiến họ dần quên đi những việc thiện mà họ đã làm trước đây, họ không tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi và trí tuệ.
Những cám dỗ này có thể khiến họ tái sinh vào các cảnh giới thấp hơn sau khi hưởng hết phước báu và không thể thoát ra khỏi vòng lục đạo luân hồi.

Cõi A-tu-la (Asura)

Cõi Atula có đặc điểm là tâm đố kỵ dày vò. Vì vậy, chúng sinh ở cõi này luôn tranh đấu nhưng luôn bị thua cuộc. Hình ảnh minh họa thú vị là cây Như Ý (cây Đời sống) mọc lên ở cõi Atula nhưng lại trổ quả Trường thọ ở cõi Trời. Điều đó khiến loài Atula ganh ghét, luôn gây chiến với chư Thiên. Nhân duyên dẫn đến tái sinh ở cõi Atula là sự tạo tác các thiện nghiệp nhưng vẫn còn tâm ganh đua, đố kỵ

 

Cõi Atula
Cõi Atula

A-tu-la là những sinh vật mạnh mẽ, đầy tài năng và đôi khi được mô tả như là kẻ thù của chư Thiên.

Atula
Atula

Những người luôn mong muốn vượt trội hơn người khác, không có sự kiên nhẫn, công bằng đối với những người thấp kém hơn, họ thích được sùng bái như các vị thần. Nhưng phúc đức kém hơn người cõi trời nên dẫn đến thù hận và ganh ghét, điều này đã khiến họ tái sinh trong cảnh giới A-tu-la.

Cõi Ngạ Quỷ (Preta)

Cõi Ngã quỷ được minh họa với những hình ảnh quái dị. Chúng có đầu to, bụng lớn, cổ nhỏ như cây kim, và miệng thường phun lửa đỏ rực. Cõi này được hình thành từ những ác nghiệp do tâm tham lam, bủn xỉn được đẩy lên cao độ.

 

Cõi Ngạ Quỷ
Cõi Ngạ Quỷ

Ngạ quỷ hay những con ma đói được mô tả như những sinh vật có bụng to, trống rỗng nhưng họ có miệng và cổ nhỏ đến mức không thể nuốt được.


Ngạ quỷ tượng trưng cho những người luôn khao khát tìm kiếm cái gì đó bên ngoài để thỏa mãn sự thèm muốn bên trong. Những người tham lam vô độ, thèm khát, vơ vét mọi thứ về cho mình nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn sẽ tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ.

Cõi Địa Ngục (Naraka)

Cõi này là nơi mà nỗi thống khổ của chúng sinh lên đến cùng cực và kéo dài vô tận. Với hai loại điển hình là địa ngục nóng và lạnh. Những ác nghiệp được tạo bởi tâm hận thù, sân giận tột độ là nguyên nhân dẫn tới cõi này.

 

Cõi Địa Ngục
Cõi Địa Ngục

Nhân duyên sinh vào cõi này là phạm 5 trọng nghiệp (giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu) và 10 ác nghiệp (sát đạo, dâm vọng, ác khẩu, hai lưỡi, thêu dệt, nói dối, tham, sân, si).

Như tên gọi, địa ngục là nơi khủng khiếp nhất trong sáu cảnh giới tái sinh. Cũng giống như nhiều tôn giáo khác, đó là nơi mà những người tàn ác bị đày xuống để chịu sự đau khổ do các tội ác mà họ đã gây ra khi còn sống.
Những người nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu nhưng lại không tin vào nhân quả, làm vô số việc ác chỉ để thỏa mãn bản thân mình…sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt tái sinh vào địa ngục.

Những người bị đày xuống địa ngục vẫn có thể tái sinh vào các cõi khác cao hơn khi đã trả hết nghiệp.


Địa ngục phân chia thành nhiều tầng khác nhau phụ thuộc vào mức độ và hành vi mà chúng sinh đã gây ra. Theo một số văn bản ghi lại, những người bị đày xuống địa ngục phải trải qua nhiều mức độ đọa đày đau khổ, sau đó được “tịnh dưỡng” để chuẩn bị cho lần đọa đày tiếp theo.

Cõi Súc Sinh (Tiryagyoni)

Cõi Súc sinh có nguyên nhân hình thành chủ yếu bởi tâm vô minh, si mê. 

 

Chúng sinh trong cõi này chịu khổ đau vì đói rét, ngược đãi, giết hại lẫn nhau và bị con người nhẫn tâm đoạt mạng.

Cõi súc sinh bao gồm các loài động vật, côn trùng hay vi sinh vật…được đánh dấu bằng sự thiếu hiểu biết, thành kiến và tự mãn. Họ sống theo bản năng, không nhận thức được tốt-xấu, thiện-ác và cố tránh khỏi sự khó chịu hoặc bất cứ điều gì không quen thuộc.

Cõi Người (Manusya)

Cõi người là cõi lý tưởng mà từ đó chúng sinh có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Cảnh giới này được xem là có nhiều điều thuận lợi để tu tập giải thoát, từ việc có ý thức cho đến các thử thách và lợi lạc trong cuộc sống giúp con người nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực và nỗ lực hết mình để đạt giác ngộ.

 

Cõi Người
Cõi Người

Tuy nhiên, vì sự phức tạp trong cảnh giới này nên nhiều người dành hầu hết thời gian để trốn tránh đau khổ và trải nghiệm thú vui của cuộc sống, đôi lúc có hành động và ý nghĩ không tốt tạo nên nghiệp bất thiện khiến họ vẫn tái sinh ở cõi người hoặc các cảnh giới thấp hơn.
Cõi người tượng trưng cho niềm đam mê, hoài nghi và ham muốn. Giác ngộ đang ở trong tầm tay của loài người, nhưng chỉ một số ít nhận ra và quyết tâm khai mở nó.

Mỗi cõi đều có một Đức Phật đứng giữa những vầng mây cuộn, hàm ý rằng mọi cõi giới trong luân hồi, dù khủng khiếp và khổ đau đến đâu cũng luôn tiềm ẩn cơ hội giải thoát nội chứng. Mọi chúng sinh trong luân hồi, dù đang trôi lăn ở cõi nào cũng luôn sẵn có Phật tính và đều có thể thành Phật!

Vòng mười hai nhân duyên

Vòng này giống như vòng xích của mười hai mắt xích nhân duyên nối tiếp nhau.

 

Vòng 12 nhân duyên
Vòng 12 nhân duyên

Vòng này minh họa cho tiến trình sinh tử. Đồng thời giải thích cho sự vận hành của tâm. Vô minh thiếu hiểu biết được đề cập đến đầu tiên bởi đó là nguyên nhân căn bản. Tiếp đến, theo thứ tự nhân duyên, chúng ta có: Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Bệnh Tử.

1. Vô Minh

Vô minh là sự mê mờ, không có trí tuệ, không hiểu thấu chân lý tự nhiên. Đó là những chân lý: Tứ Diệu đế, Bát Chánh Đạo, Mười hai nhân duyên… được Đức Phật giác ngộ và khai thị cho chúng sinh. Sự thiếu hiểu biết, mê lầm đó gồm ba khía cạnh căn bản về thân, tâm và cảnh.

Cụ thể, xác thân này được chúng ta nhận lầm là của chúng ta. Nhưng thực tế Thân chỉ là sự tổng hợp của “tứ đại” gồm: lửa, nước, không khí và đất. 

Đến tâm của chúng ta. Nó luôn thay đổi, các trạng thái tâm luôn sinh diệt nhưng chúng ta nhận lầm cho rằng có một cái tâm thường trụ, đó là “tâm tôi”. Tâm được tổng hợp lại bởi năm yếu tố “ ngũ uẩn” là: sắc, thụ, tưởng, hành, thức

Những yếu tố bên ngoài như môi trường hoàn cảnh, sự vật hiện tượng trong đời sống cũng liên tục trải qua các quá trình sinh khởi, biến đổi và tan hoại. Nhưng chúng ta luôn có xu hướng cho rằng chúng tồn tại đích thực và không thể mất đi. Chẳng hạn như nhà của tôi, tài sản của tôi,… Tựu chung lại, chúng ta hoàn toàn không hiểu rõ bản chất vô thường, vô ngã, khổ không của mọi sự vật hiện tượng. Đó chính là vô minh, động lực căn bản khiến chúng sinh bị bế tắc quẩn quanh trong luân hồi.

 

vô minh
vô minh

Vô minh được minh họa bằng hình ảnh bà già mù đi giữa rừng xương: mù mắt tức là thiếu trí tuệ, rừng xương tượng trưng cho vô lượng vô số kiếp trôi lăn trong luân hồi.

2. Hành

Vô minh là nguyên nhân dẫn đến những hành động tạo tác sai lầm. Gọi là “Vô minh duyên Hành”.

Mọi hành động của chúng ta đi liền với động cơ (thiện, bất thiện hoặc vô ký), tạo nên những nghiệp tương ứng.

Những kết quả trong hiện tại có nguyên nhân từ những hành động tương ứng của: thân – khẩu – ý đã tạo trong quá khứ. Những hành động thân khẩu ý trong hiện tại sẽ đem lại những kết quả tương ứng trong tương lai. Tất cả những nghiệp nhân đã tạo đều được tích lũy như những hạt giống trong tạng thức, đó là năng lực nghiệp tiềm ẩn dẫn dắt hành trình sinh khởi sau này.

 

hành - vòng 12 nhân duyên
Hành

Hình ảnh người thợ nặn những chiếc bình gốm hàm ý rằng người thợ có thể nặn chiếc bình gốm thành nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau. Cũng giống như hành nghiệp khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau. Người nặn bình chính là bản thân chúng ta, tự chịu trách nhiệm về mọi hành động thân khẩu ý của chính mình.

3. Thức

Thức là toàn thể tâm thức của chúng ta bao gồm “Bát thức tâm vương“. Chỉ cho sự hiểu biết phân biệt còn nằm trong trạng thái mê lầm.

Trong vòng quay sinh tử, dưới sự dẫn dắt của Nghiệp lực. Thần thức đi tìm bụng mẹ để tái sinh, tìm cho mình một đời sống mới. Như vậy gọi là “Hành duyên Thức”. Sau khi nhập mẫu thai, Tạng thức có trước nhất, sau đó lần lượt nảy sinh các thức còn lại.

 

Thức
Thức

Thức được minh họa bằng hình ảnh một con khỉ nắm trái cây trong lòng tay, nhảy từ cây này sang cây khác. Hàm ý rằng do nghiệp lực dẫn dắt mà thức đi từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai, tạo nên vô số kiếp tái sinh trong luân hồi.

4. Danh Sắc

Danh chỉ cho yếu tố tâm lý, tinh thần. Sắc chỉ cho yếu tố sinh lý, vật chất. Trong hành trình tái sinh, thần thức hoan hỷ khi thấy hình ảnh cha mẹ tương lai giao hội và lập tức vào bụng mẹ, bám chấp vào sự hòa quyện của giọt tinh cha và giọt huyết mẹ, hình thành bào thai và tạo nên một đời sống mới. Thần thức là Danh và tinh cha huyết mẹ là Sắc. Vì vậy gọi là “Thức duyên Danh Sắc”.

 

Danh Sắc
Danh Sắc

Danh và Sắc được minh họa bằng hình ảnh một người với gốc cây. Danh nêu biểu cho tâm. Sắc nêu biểu cho thân người tứ đại (thuỷ, hoả, thổ, phong). Cây nêu biểu cho vạn pháp. Thân tâm hình thành rồi thì ắt sẽ có cảnh sống.

5. Lục Nhập

Lục nhập chỉ cho sự hình thành sáu giác quan của sự nhận biết (sáu căn). Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Một khi bào thai được hình thành, sau đó sẽ có sự phát triển các giác quan, vì vậy gọi là “Danh sắc duyên Lục nhập”.

 

Lục Nhập
Lục Nhập

Sáu căn giống như sáu cửa trực tiếp đón nhận những đối tượng của nhận thức như hình ảnh, màu sắc, hương vị… (tức sáu trần). Vì vậy, Lục nhập được biểu thị bằng hình ảnh một ngôi nhà có sáu cửa.

6. Xúc

Con người tiếp xúc với ngoại cảnh thông qua sáu giác quan (tức là sáu căn): mắt nhìn hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm nhận sự xúc chạm, ý tư duy về các pháp, như vậy gọi là “Lục nhập duyên Xúc”.

 

Duyên Xúc
Duyên Xúc

Trong tất cả các “xúc” nói trên. Nguy hiểm nhất là nam nữ hai thân xúc chạm. Chính vì thế, xúc được mô tả bằng hình ảnh một người nam và một người nữ xúc chạm. Ngụ ý cảnh tỉnh sự xúc chạm này chính là nguồn của trầm luân sinh tử.

7. Thụ

Thụ là cảm giác, cảm thụ. Cảm thụ bao gồm ba loại chính là: cảm giác vui sướng (lạc thụ), cảm giác đau khổ (khổ thụ) và cảm giác không vui không buồn do tâm si mê đem lại (gọi là xả thụ).

Khi sáu giác quan tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài và có nhận thức sẽ dẫn đến cảm thụ. Vì vậy gọi là “Xúc duyên Thụ”.

Thụ thực chất chỉ là cảm giác do nhân duyên sinh và hư huyễn. Thứ nhất, phải đầy đủ các yếu tố: giác quan, ngoại cảnh, nhận thức phân biệt mới có cảm thụ. Thứ hai, cảm thụ đó hư huyễn, không có thực chất bởi nó phải dựa vào nhiều nhân duyên điều kiện, và do nghiệp quá khứ quyết định. Ví dụ, hai người cùng nếm một thức ăn hay ngửi một mùi hương nhưng một người có thể khó chịu và người kia lại cảm thấy ưa thích, người thứ ba có thể có cảm giác trung tính, không ưa cũng không ghét.

 

Duyên Thụ
Duyên Thụ

Thụ được miêu tả bằng hình ảnh một người đàn ông với mũi tên cắm vào mắt, hàm ý rằng cảm thụ luôn dẫn đến đau khổ. Cảm giác dễ chịu, ưa thích sẽ dẫn đến cái khổ khi mất đi sự vui sướng, dễ chịu đó. Cảm giác đau khổ, khó chịu sẽ làm nảy sinh tâm sân giận bực bội khiến một người phải chịu hai tầng khổ (gọi là khổ khổ). Cảm giác trung tính nhưng vẫn bị chi phối bởi mê lầm sẽ vẫn đưa đến cái khổ do tạo nghiệp trong luân hồi. Tóm lại, dù là cảm thụ gì đều dẫn đến khổ.

8. Ái

Khi có cảm thụ buồn vui sẽ nảy sinh tâm ham muốn, luyến ái hay chối bỏ, gọi là “Thụ duyên Ái”. Có ghét bỏ sẽ có ái luyến và ngược lại, có ái luyến tất có ghét bỏ.

Cảm giác vui sướng dễ chịu dẫn đến tâm ham muốn. Cảm giác khó chịu dẫn đến tâm ghét bỏ.

Trong các loại ái thì tình cảm luyến ái nam nữ là mãnh liệt và nguy hiểm hơn tất cả. Vì nó liên quan đến bản năng sâu kín của con người. Đằng sau tình yêu thương được nhân loại ca ngợi bằng rất nhiều giấy mực đó là động cơ muốn chiếm đoạt, sở hữu và sự thôi thúc âm thầm của lòng dục, nguồn máy làm xoay chuyển không ngừng nghỉ bánh xe luân hồi.

 

Duyên Ái
Duyên Ái

Ái được miêu tả bằng hình ảnh người đàn ông đang uống rượu. Càng uống càng khát (tức càng không được thỏa mãn) và càng uống càng say (tức càng si mê, bám chấp).

9. Thủ

Thủ có nghĩa là nắm chặt, giữ chặt, gây nên ràng buộc. Vì yêu thích, ái luyến nên nảy sinh lòng bám giữ, tâm chấp thủ, gọi là “Ái duyên Thủ”. Tâm chấp thủ đó thể hiện rõ nhất ở sự chấp ngã, yêu mến cái “tôi”, nhận “ngũ uẩn” là tôi.

 

Duyên Thủ
Duyên Thủ

Thủ được miêu tả bằng hình ảnh người phụ nữ đang hái trái cây mà quả của nó có thể là độc hay lành.

Thủ có thể có nhiều loại như chấp vào “cái tôi”, chấp vào các tri kiến cá nhân, chấp vào những đối tượng ngoại cảnh,…

10. Hữu

Hữu nghĩa là có, tồn tại hay sự sống. Vì thủ chấp ắt tạo nghiệp, là động lực cho sự tái sinh, là một sự tồn tại mới hay một đời sống mới. Tâm chấp thủ gieo vào Tạng thức một nhân là cơ sở cho sự hình thành ở đời sau. Do vậy nên gọi là “Thủ duyên Hữu”.

 

Duyên Hữu
Duyên Hữu

Hữu được miêu tả bằng hình ảnh một người phụ nữ có mang biểu trưng rằng Hữu là nhân, giống như cái thai, sau này hình thành một cuộc đời mới.

Nhân được làm người là giữ năm giới, mười thiện là lên cõi trời. Có thêm thiền định thì lên sắc và vô sắc giới. Tất cả những hành vi thiện lành mà không có trí tuệ Bát Nhã soi sáng, đều có một năng lực tiềm ẩn để trổ quả trong tương lai, kéo dài hành trình sanh tử, nghĩa là khi chúng ta làm một Phật sự hay phước thiện gì mà không quán tam luân không tịch (ta không, người không và sự bố thí là không).

11. Sinh

Vì nhân đã hình thành thì chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả, là sự tái sinh khi nhân duyên chín muồi, gọi là “Hữu duyên Sinh”.

Sinh ở đây không có nghĩa là hành động lâm bồn sinh ra một em bé cụ thể. Mà là sự hình thành kết quả khi nguyên nhân điều kiện đầy đủ, chín muồi. Kết quả đó được biểu hiện như một cơ thể mới mang theo ham muốn mới để tiếp tục vòng quay bất tận của luân hồi.

 

Duyên Sinh
Duyên Sinh

Hình ảnh tượng trưng cho mắt xích này là một người phụ nữ sinh con.

12. Lão Bệnh Tử

Đã có sinh khởi, hình thành một đời sống ắt sẽ có già, bệnh, chết. Vì thế nên gọi là “Sinh duyên Lão, Bệnh, Tử”.

 

Duyên Lão Bệnh Tử
Duyên Lão Bệnh Tử

Lão bệnh tử được biểu trưng bằng hình ảnh một người đàn ông chống gậy và vác một xác chết, rồi có cả một nghĩa đại thiên táng, các chim kền kền đang rỉa xác.

Vòng quay không hề chấm dứt ở đây bởi yếu tố vô minh luôn đồng hành và là nguyên nhân sâu xa của guồng máy sinh tử luân hồi. Mỗi mắt xích trong mười hai mắt xích móc ngoặc với nhau rất khó phá vỡ, tạo thành tù ngục của luân hồi, nên dù thực hành thiện hạnh, tích lũy phúc đức thì chúng ta cũng chỉ có thể gặt hái chút ít kết quả trong vòng luân hồi mà thôi.

Mười hai nhân duyên được minh họa trên đây dưới góc độ miêu tả giải thích sự vận hành của đời sống luân hồi. Ở cấp độ sâu xa hơn, mười hai nhân duyên có thể nhìn nhận như là tiến trình của tâm, là nguyên nhân vi tế của luân hồi.

Thiện Hoá sưu tầm và lược dịch —

Khoa Học Chứng Minh Luân Hồi Là Có Thật Và Những Trường Hợp Đầu Thai Kì Lạ

(clip gốc thuộc về Ngẫm Radio)

Thiện Hóa
Thiện Hóa

Đời đạo hòa đồng tâm an lạc
Sắc không quy nhứt tánh viên minh

Bình Luận

Tháng 04 năm 2024
16
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 3
Ngày Canh Tuất
Tháng Mậu Thìn
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
08
Tháng 03

Về Bích Tọa Đàm

Chúng tôi, những thiện nam tín nữ với 1 lòng thành kính hướng về ngôi Tam bảo, xin được phép thành lập trang Bích Tọa Đàm để làm nơi chia sẻ những lời huyền ngọc, những kiến thức Phật học mà chúng tôi đã hữu duyên kiến huệ được. Nếu có sự trùng lặp hoặc chưa đúng. Rất mong được quý vị, chư đồng đạo hoan hỉ bỏ qua. Cùng nhau góp ý xây dựng để hoằng dương Phật pháp. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Muôn loài sớm thoát khỏi đường mê, quay về nẻo giác. Chúng sinh đồng thành Phật đạo.

 – NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT –

Kết nối với chúng tôi

Bài viết gần đây

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Đăng kí nhận bài viết mới

Đăng kí nhận thông báo về các bài viết mới nhất của Bích Tọa Đàm. 

error: Nội dung được bảo vệ !!

THAM GIA NHÓM FACEBOOK

Hoan hỉ kính mời bạn cùng tham gia vào nhóm của BÍCH TOẠ ĐÀM trên Facebook để cùng nhau tinh tấn tu tập và trao đổi chánh Pháp.
🙏🏻Nam Mô A Di Đà Phật🙏🏻