33 Ứng Hiện Hoá Thân Của Bồ Tát Quán Thế Âm

Quan Thế Âm Bồ Tát ( hay Quán Thế Âm Bồ Tát cũng là một) là một trong hai vị Đại Bồ Tát trợ duyên của Đức Phật A Di Đà. Ngài thường thị hiện với 33 ứng hiện hoá thân cứu độ chúng sinh.

( Xem thêm về Lược Sử Bồ Tát Quán Thế Âm tại đây)

Trong tác phẩm “Phật Tượng Đồ Hối” có minh họa hình tướng của 33 Ứng Hoá Thân Quán Âm Bồ Tát như sau:

DƯƠNG LIỄU QUÁN ÂM

 

Quan Âm Bồ Tát vì lợi ích và thuận theo nguyện vọng của chúng sinh mà thị hiện, cũng giống như cành Dương Liễu thuận theo gió bay phất phới. Trong Pháp tướng này, Đức Quan Âm an tọa trên mỏm núi đá, tay phải cầm cành Dương liễu, lòng bàn tay trái mở ra để ở trước ngực hoặc là tay trái cầm cái Tịnh bình. Tôn này tương đương với thân Dược Vương Quan Âm.

LONG ĐẦU QUÁN ÂM

 

Biểu hiện tư thế đứng thẳng hoặc tọa trong mây cưỡi đầu Rồng. Được cho là Hóa thân Trời, Rồng, Dạ Xoa trong 32 thân của Quan Âm để giáo hóa hàng Trời, Rồng. Bởi loài Rồng là Vua trong các loài thú, được ví như uy thần của Quan Âm.

TRÌ KINH QUÁN ÂM

 

An tọa trên tảng đá ghồ ghề, tay phải cầm quyển Kinh, tay trái để trên đầu gối. Được cho là tương ứng với thân Thanh Văn Quan Âm trong 32 ứng thân Quan Âm,. Thanh Văn (Sravaka) là nghe âm tiếng do Đức Phật dạy bảo mà khai ngộ xuất gia. Trong Phẩm Phổ Môn nói: “Cần phải dùng thân Thanh Văn để hóa độ liền hiện thân Thanh Văn mà giảng pháp”. Bàn tay phải cầm quyển Kinh là Pháp tướng đặc trưng của Ngài.

VIÊN QUANG QUÁN ÂM

 

Trong ánh sáng lửa rực của hào quang chiếu khắp Pháp giới xuất hiện Sắc thân Quan Âm, hai tay chắp lại, an tọa trên mỏm núi đá. Trong Phẩm Phổ Môn có một đoạn Kinh văn nói:

Sáng thanh tịnh không nhơ

Mặt trời tuệ trừ ám

Hay trừ nạn gió lửa

Soi sáng khắp thế gian.

DU HÍ QUÁN ÂM

 

Tư thế du hý tự tại, không trì trệ, không trở ngại cho nên gọi như vậy. Ngài an tọa trên mây ngũ sắc, tay trái để ở cạnh rốn, tác tướng du hý tự tại trong Pháp giới vô ngại. Có ý kiến cho rằng thể Quan Âm này biểu thị cho đoạn Kinh văn sau trong Phẩm Phổ Môn, nói về chúng sinh bị tai nạn rớt xuống núi được sự cứu giúp của Bồ tát:

Hoặc bị kẻ ác rượt

Rớt xuống núi Kim Cương

Do sức niệm Quan Âm

Chẳng mất một mảy lông

BẠCH Y QUÁN ÂM

 

Ngài khoác y áo mềm mại sắc trắng thanh tịnh, kiết già tĩnh tọa trên đám cỏ nơi tảng đá, tay kết ấn thiền định. Hình tượng này tương đương với thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni trong 32 ứng thân Quan Âm.

NGOẠ LIÊN QUÁN ÂM

 

An tọa trên tòa sen báu, tư thế chắp tay lại. Có ý kiến cho rằng đây là thân Tiểu Vương trong 32 ứng thân Quan Âm, ví như thân tôn quý của Tiểu Vương tọa, nằm trên hoa sen.

LONG KIẾN QUÁN ÂM

 

Còn gọi là Phi Bộc Quan Âm, tư thế dựa vào vách núi gãy, quán thác nước đổ. Cũng có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho ý nghĩa của đoạn văn trong Phẩm Phổ Môn: “Nếu có chúng sinh nào bị xô vào hầm lửa lớn, xưng niệm tên Quan Âm, Bồ tát liền ứng theo âm thanh đó mà cứu, khiến cho thành lửa biến thành ao”.

THI LẠC QUÁN ÂM

 

An tọa bên bờ ao, chăm chú nhìn hoa sen, tay phải chống má tựa trên đầu gối, hoặc có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn kinh văn sau trong Phẩm Phổ Môn:

Hoặc ở ngọn Tu Di

Bị người xô té xuống

Do sức niệm Quan Âm

Như mặt Trời trên không.

NGƯ LAM QUÁN ÂM

 

Chuyên trừ bỏ chướng ngại của La Sát, Rồng độc, Quỷ ác… Pháp tướng ấy cưỡi con cá lớn, hoặc là tay xách giỏ có con cá lớn. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn Kinh văn sau trong Phẩm Phổ Môn:

Hoặc gặp La Sát dữ

Rồng độc, các loài Quỷ

Do niệm sức Quan Âm

Chúng đều không dám hại

Thể Quan Âm này tương đương với Hóa Thân La Sát trong 32 ứng thân Bồ Tát Quan Âm.

ĐỨC VƯƠNG QUÁN ÂM

 

An tọa trên tảng đá, tay trái để ở trên, tay phải cầm lá xanh hoặc một cành Dương liễu. Tôn này tương đương với Hóa Thân Phạm Vương của Bồ tát Quan Âm. Như trong Phẩm Phổ Môn nói rằng: “Cần phải dùng thân Phạm Vương để hóa độ thì liền hiện thân Phạm Vương mà giảng pháp”. Chủ ý nói Phạm Vương chính là chủ của sắc giới, Đức ấy thù thắng cho nên gọi là Đức Vương.

THUỶ NGUYỆT QUÁN ÂM

 

Đứng trên một cánh Sen tựa như chiếc thuyền dưới ánh trăng, nổi trên biển quán tưởng mặt trăng trong nước yên tĩnh. Tôn này tương đương với Hóa thân Bích Chi Phật của Bồ Tát Quan Âm.

NHẤT DIỆP QUÁN ÂM

 

Ngự trên cánh sen, nhàn nhã trôi trên mặt nước, còn được gọi là Liên Diệp Quan Âm, Nam Minh Quan Âm. Tương truyền có một Tăng nhân người Nhật tên là Đạo Nguyên trên đường trở về Nhật Bản gặp phải gió lớn đành tránh vào núi Nam Minh, lúc ấy Đạo Nguyên ở trên thuyền khấn thầm bỗng nhiên thấy Đại Bi Tôn ngự một cánh sen nổi trên biển, tức thời sóng gió liền lặng. Lên bờ xong, Sư tự khắc tượng Quan Âm đã nhìn thấy và an trí phụng thờ trong chùa Nam Minh Quan Âm. Từ đây Tôn này có hiệu là “Nam Minh Quan Âm”.   

Y theo trong tác phẩm Phật Tượng Đồ Hối đã vẽ thì hình tượng Tôn này an tọa trên cánh sen, gối trái co đứng, tay trái để trên đầu gối, tay phải rũ xuống chống đỡ thân ấy, trông nhìn xa trên mặt nước, tác tướng suy tư sâu xa.

THANH CẢNH QUÁN ÂM

 

Thanh Cảnh Quán Âm (hay Thanh Đầu Quan Âm): An tọa trên sườn dốc gãy, gối phải dựng đứng, tay phải để trên đầu gối, tay trái vịn vách núi. Tôn này tương đương với Hóa thân Phật Đà của Bồ tát Quan Âm.

UY ĐỨC QUÁN ÂM

 

Tay phải chạm đất, tay trái cầm hoa sen, tư thế đứng ở trên mỏm núi quán nhìn nước. Có ý kiến cho rằng đây là thân Thiên Đại Tướng Quân trong 32 ứng thân Quan Âm. Vì Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ cả uy đức, cho nên có tên là Uy Đức Quan Âm. Quan Âm có đủ cả Uy của điều phục và Đức của nhiếp Pháp để yêu thương hộ trì chúng sinh.

DIÊN MỆNH QUÁN ÂM

 

Tựa vào mỏm núi, nhàn nhã thưởng thức cảnh vật trên mặt nước. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn:

Như thuốc độc yếm đối,

Muốn hại đến mạng thân,

Do sức niệm Quan Âm,

Người gây bị hại ngược.

Trong Pháp tướng này, Đức Quan Âm dùng nhóm khí vật hay trừ các độc hại thọ mạng để được sống lâu, cho nên tên là Diên Mệnh Quan Âm. Hình tượng là trên đỉnh đầu đội Bảo quan, tướng tốt từ bi nhu hòa, hào quang tròn, trụ khắp vành trăng trong hoa sen, thân đeo anh lạc, vòng hoa mầu nhiệm và thiên y trang nghiêm, hai cánh tay là đặc trưng của Pháp tướng này, nêu biểu sự tiếp dẫn cứu giúp chúng sinh.

CHÚNG BẢO QUÁN ÂM

 

Tay phải chạm đất, chân phải duỗi thẳng, tay trái để ở trên đầu gối, hiện tướng an bình. Tôn này tương đương với thân Trưởng Giả trong 32 ứng thân Quan Âm. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn: “Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh vì cầu vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, các thứ trân châu báu vật vào trong biển lớn. Giả sử chiếc thuyền ấy bị gió lớn thổi tấp vào nước Quỷ La Sát, nếu trong đó có một người xưng tụng danh hiệu Quan Âm Bồ tát thì các người kia đều được giải thoát nạn Quỷ La Sát”.

NHAM HỘ QUÁN ÂM

 

An tọa trang nghiêm trong hang động nham thạch, tự tại thưởng thức mặt nước. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn:

Rắn độc với bò cạp

Hơi độc, khói, lửa đốt

Do sức niệm Quan Âm

Chúng theo tiếng bỏ đi

Vì rắn độc, bò cạp và các loại trùng độc khác phần nhiều trú ở trong hang động, nên truyền thuyết nói Đức Quan Âm an tọa trong hang động đầy nguy hiểm này để cứu giúp chúng sinh. Nương sức niệm Quan Âm, thời có thể tiêu tan độc khí ấy. Nên khi vẽ tượng Quan Âm này, đại đa số chọn tư thế an tọa ngay ngắn trong hang động.

NĂNG TĨNH QUÁN ÂM

 

Đứng lặng hồi lâu trên mỏm núi bên cạnh biển, tác tướng yên tịnh, hoặc có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn: “Giả sử chiếc thuyền bị gió lớn thổi tấp vào nước Quỷ La Sát, nếu trong đó có một người xưng tụng danh hiệu Quan Âm Bồ tát thì các người kia đều được giải thoát nạn Quỷ La Sát”.

A NẬU QUÁN ÂM

 

A Nậu tức là A Nậu Đạt Trì, lại gọi là A Nậu Đại Tuyền, dịch là Vô Nhiệt Trì (ao không có sự nóng bức). Pháp tướng Bồ tát này an tọa trên tảng đá, gối trái dựng thẳng bắt chéo nhau, hai tay giao nhau, ngắm nhìn xa xa trên mặt biển. Có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn: “Nếu có người trên biển gặp phải Rồng, Cá, các Quỷ, nạn lớn, nương sức niệm Quan Âm sẽ có thể miễn trừ hiểm họa của sóng gió”.

A MA ĐỀ QUÁN ÂM

 

Tức là Vô Úy Quan Âm. Trong Pháp tướng này, Đức Quan Âm thường có sắc thân trắng, ba mắt và bốn tay, cưỡi Sư tử trắng, toàn thân tràn đầy lửa rực, vận thiên y, anh lạc… nêu biểu cho sự trang nghiêm; diện mạo từ bi, chăm chú nhìn về bên trái. Có người cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Tỳ Sa Môn của Bồ tát Quan Âm.

DIỆP Y QUÁN ÂM

 

An tọa ở đám cỏ trên tảng đá, có người cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Đế Thích của Bồ tát Quan Âm.

LƯU LY QUÁN ÂM

 

Còn được gọi là Cao Vương Quan Âm. Ngự nơi một cánh Sen nổi trên mặt nước, hai tay nâng chiếc bình Lưu ly. Có người cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Tự Tại Thiên của Bồ Tát Quan Âm.

ĐA LA TÔN QUÁN ÂM

 

Còn gọi là Cứu Độ Mẫu Quan Âm, tư thế toàn thân đứng thẳng cưỡi trên mây. Có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn:                                                                                   

Hoặc bị oán tặc vây

Cầm đao kiếm hãm hại

Do sức niệm Quan Âm

Chúng đều sinh lòng lành

CÁP LỢI QUÁN ÂM

 

Có nghĩa là Bồ tát ngồi trong con sò. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ triều đại nhà Đường (Trung Quốc) trở về sau. Quyển 42, Phật Tổ Thống Ký trong đời Đường Văn Tông năm Khai Thành Nguyên ghi chép rằng: “Khi vua Đường Văn Tông ăn con sò, dùng tay tách mà không mở được, nên đốt hương khấn cầu, bỗng nhiên con sò biến hiện thành hình tượng Bồ tát. Hoàng đế liền viết chiếu thư cho Chung Nam Sơn Duy Chính Thiền Sư hỏi nguyên nhân việc này và sau đó chiếu cáo cho chùa chiền trong thiên hạ lập tượng Quan Âm”. Tín ngưỡng Cáp Lợi Quan Âm vì thế rất phổ biến với những ngư dân.

LỤC THỜI QUÁN ÂM

 

Lấy ý Đại bi thâm sâu, ngày đêm sáu thời thường thương xót hộ niệm chúng sinh, cho nên gọi là Lục Thời Quan Âm, cũng giải thích là “Thường Thị Chúng Sinh Quan Âm”. Hình tượng thông hành ở thế gian là tay Ngài cầm cái rương kinh Phạn chứa Lục Tự Chương Cú Đà La Ni. Chúng sinh tụng Đà La Ni này thì được thoát khỏi quả khổ của sáu nẻo, được sáu diệu môn, chứng sáu căn tương ứng. Có người cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Cư sĩ của Bồ tát Quan Âm.

PHỔ BI QUÁN ÂM

 

Tay cầm Pháp Y rủ xuống trước, đứng trên núi cao nêu biểu lòng từ bi của Đức Quan Âm rộng khắp ba ngàn Đại thiên Thế giới, thương xót phổ độ hết thảy chúng sinh. Có người cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Đại Tự Tại Thiên của Bồ Tát Quan Âm. Đại Tự Tại Thiên chính là vị thần tối cao của ba cõi, dùng uy đức thù thắng ấy chiếu khắp tất cả, mà phối hợp với từ bi phổ biến bình đẳng của Quan Âm cho nên gọi là Phổ Bi Quan Âm.

MÃ LANG PHỤ QUÁN ÂM

 

Tương truyền vào triều đại nhà Đường, Bồ tát Hóa thân làm một cô gái rất xinh đẹp. Vì muốn đại chúng phát tâm siêng năng học Phật, nên dùng phương tiện rằng người nào tụng kinh nhiều sẽ làm vợ của người ấy. Sau đó y theo lời ước hẹn nhận lời làm vợ của một thanh niên họ Mã, cho nên mới có tên gọi như vậy. Có người cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Phụ nữ của Bồ tát Quan Âm.    

Hoặc có hình tượng Mã Lang Phụ Quan Âm tay phải cầm quyển Kinh Pháp Hoa, tay trái cầm cái đầu lâu có hình người nữ.

HỢP CHƯỞNG QUÁN ÂM

 

Đứng trên đài sen, hai tay chắp trước ngực, hai bàn tay chấp lại ở giữa rỗng cho nên có tên gọi như vậy. Có ý kiến cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Bà La Môn của Bồ tát Quan Âm.

NHẤT NHƯ QUÁN ÂM

 

An tọa trên đài sen ở trên mây, dựng đứng gối trái làm tư thế giáng phục lôi điện. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong Phẩm Phổ Môn:                                                                                         

Mây sấm nổ, sét đánh

Tuôn mưa đá, mưa lớn

Do sức niệm Quan Âm

Nên liền tiêu tan cả

BẤT NHỊ QUÁN ÂM

 

Pháp tướng này có hai tay bắt chéo nhau, đứng trên một chiếc lá sen nổi trên mặt nước. Có ý kiến cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Thần Chấp Kim Cương của Bồ tát Quan Âm. Thần Chấp Kim Cương là vị thần thủ hộ của Đức Phật.

TRÌ LIÊN QUÁN ÂM

 

Ngài ngự trên chiếc lá sen, hai tay cầm cọng sen. Hoặc cho rằng Tôn này tương đương với Hóa thân Đồng Nam, Đồng Nữ của Bồ tát Quan Âm.

SÁI THUỶ QUÁN ÂM

 

Tay phải cầm Sái Trượng hoặc cành dương liễu, tay trái cầm bình, tác tướng tưới nước Cam lộ. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho câu văn sau trong Phẩm Phổ Môn: “Nếu có người bị nước lớn cuốn trôi, hễ xưng niệm danh hiệu Ngài liền gặp chỗ cạn”. Hoặc có một thuyết cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn:

Lòng Bi như sấm chớp.

Ý lành diệu tựa mây

Tuôn mưa nước Cam lộ

Dứt trừ lửa phiền não.

33 Ứng Hoá Hiện Thân Của Bồ Tát Quán Thế Âm

Bồ Tát Quán Thế Âm với tâm Đại Từ Đại Bi của mình, Ngài đã thuyết ra Chú Đại Bi. (Xem chi tiết Ý Nghĩa Trì Tụng Chú Đại Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm tại đây.)

Thiện Hoá tổng hợp –

Thiện Hóa
Thiện Hóa

Đời đạo hòa đồng tâm an lạc
Sắc không quy nhứt tánh viên minh

Bình Luận

Tháng 09 năm 2024
12
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Mão
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
10
Tháng 08

Về Bích Tọa Đàm

Chúng tôi, những thiện nam tín nữ với 1 lòng thành kính hướng về ngôi Tam bảo, xin được phép thành lập trang Bích Tọa Đàm để làm nơi chia sẻ những lời huyền ngọc, những kiến thức Phật học mà chúng tôi đã hữu duyên kiến huệ được. Nếu có sự trùng lặp hoặc chưa đúng. Rất mong được quý vị, chư đồng đạo hoan hỉ bỏ qua. Cùng nhau góp ý xây dựng để hoằng dương Phật pháp. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Muôn loài sớm thoát khỏi đường mê, quay về nẻo giác. Chúng sinh đồng thành Phật đạo.

 – NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT –

Kết nối với chúng tôi

Bài viết gần đây

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Đăng kí nhận bài viết mới

Đăng kí nhận thông báo về các bài viết mới nhất của Bích Tọa Đàm. 

error: Nội dung được bảo vệ !!

THAM GIA NHÓM FACEBOOK

Hoan hỉ kính mời bạn cùng tham gia vào nhóm của BÍCH TOẠ ĐÀM trên Facebook để cùng nhau tinh tấn tu tập và trao đổi chánh Pháp.
🙏🏻Nam Mô A Di Đà Phật🙏🏻