A Di Đà Phật – Giáo Chủ Cõi Tây Phương Cực Lạc

a di đà phật

Lược sử đức phật a di đà

Đức Phật A Di Đà (chữ Hán: 阿彌陀佛) được phiên âm từ Amitābha, hay còn được biết đến với tên gọi Amida hoặc Amitāyus (trong tiếng Sankrit thì Amitābha có nghĩa là ánh sáng vô lượng, Amitāyus có nghĩa là thọ mạng vô lượng, nên A Di Đà Phật được xem là đức Phật Vô Lượng Thọ Vô Lượng Quang) hoặc Tiếp Dẫn đạo sư. Ngài là một trong những vị Phật được thờ phụng trong Phật giáo Đại thừa, ngụ ở cõi Tịnh Độ của Ngài là cõi Tây Phương Cực Lạc. Thường dùng nước Cam Lộ uống vào sẽ được trường sinh bất lão để ví với công đức của Ngài, nên Ngài còn được gọi là Cam Lộ Vương Như Lai (tiếng Phạn là Amrta-rāja).

Theo Đại Kinh A Di Đà hay Đại Kinh Sukhāvatīvyūha, trong một tiền kiếp trước đây thì Đức Phật A Di Đà là một vị quốc vương tên Kiều Thi Ca sau khi nghe một vị Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi xuất gia tu hành, pháp danh là Pháp Tạng hay Dharmākara. Ngài đã phát thệ nguyện khi chứng ngộ Phật quả sẽ tịnh hoá và trang nghiêm một cõi. Khiến cho cõi đó trở thành một trong những quốc độ thanh tịnh, trang nghiêm và cực lạc (Sukhāvatī) nhất. Khi Ngài đạt chánh đẳng chánh giác và thành tựu lời nguyện của mình, Dharmākara đã trở thành Đức Phật A Di Đà.

Đức Phật A Di Đà là giáo chủ ở cõi Tây Phương Tịnh Độ. Ngài là bậc tiếp dẫn đạo sư, Ngài cùng với Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí (còn được biết đến với hồng danh là Tây Phương Tam Thánh) cùng hằng hà sa số chư vị Bồ Tát luôn ngày đêm hoá độ và tiếp dẫn chúng sinh đã khuất về với cõi cực lạc thanh tịnh của Ngài.

Tiền thân đức phật a di đà

Theo Kinh Đại A Di Đà

Khi Đức Phật Thế Tự Tại Vương tại thế, có một vị quốc vương tên Kiều Thi Ca. Vua Kiều Thi Ca nghe Thế Tự Tại Vương Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm vị tỳ kheo hiệu là Pháp Tạng. Một hôm Ngài đảnh lễ Phật, cầu Phật chứng minh và phát 48 Đại Nguyện, và do nguyện lực ấy sau này thành Đức Phật A Di Đà.

Theo Kinh Pháp Hoa (phẩm Hoá Thành Dụ thứ 7)

Đức Đại Thông Trí Thắng Phật khi còn ở ngôi quốc vương, có 16 người con trai. Lúc quốc vương bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, thời 16 vị Vương tử đồng vào pháp hội xin xuất gia làm Sa di. Trải qua một thời gian tu học, 16 vị Sa di chứng ngộ diệu lý, đều đặng thần thông trí huệ.

Sau khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho đại chúng trong pháp hội, Đức Đại Thông Trí Thắng Phật liền nhập tịnh thất trụ trong đại định.

Thời gian Đức Phật ngồi yên lặng nơi tịnh thất, 16 vị Bồ Tát Sa di đều thăng pháp tòa giảng rộng nghĩa lý Kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Mỗi vị Bồ Tát Sa di độ được sáu trăm tám mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa số người.

16 vị Sa di đó hiện nay đều đã thành Phật cả, đang ngự trong đạo tràng ở mười phương thế giới. Vị Sa di thứ 16 thành Phật ở cõi Ta Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và vị thứ 9 hiện tại thành PhậtCực Lạc thế giới, tức là Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.

Theo Kinh Nhứt Hướng Xuất Sanh Bồ Tát

Về thuở quá khứ có ông Thái tử tên là Bất Tư Nghị Thắng Công Đức. Năm 16 tuổi, Thái tử được nghe Kinh “Pháp Bổn Đà-la-ni” nơi Đức Phật Bảo Công Đức Tinh Tú Kiếp Vương Như Lai.

Nghe Kinh xong, Thái tử tinh tấn tu tập trong bảy mươi năm, không ngủ nghỉ, mà cũng không nằm, không dựa. Nhờ sức dũng mãnh ấy, nên lần lần Thái tử được gặp chín mươi ức trăm nghìn Đức Phật. Bao nhiêu Kinh pháp của chư Phật dạy truyền, Thái tử đều có thể thọ trì tu tập cả. Về sau Thái tử xuất gia làm Sa môn, lại tu tập “Pháp Bổn Đà-la-ni” và giảng truyền Chánh pháp cho mọi người.

Tinh tấn tu hành và cần mẫn giáo hóa, trong một đời hoằng pháp Thái tử độ được tám mươi ức na-do-tha người phát Bồ-đề tâm, trụ bậc bất thoái chuyển.

“Thái tử Thắng Công Đức là tiền thân của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.”

Theo Kinh Bi Hoa

Trong vô lượng hằng hà sa kiếp về trước, ở thế giới San Đề Lam, con trai của quan đại thần Bảo Hải xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Bấy giờ, Quốc vương Vô Tránh Niệm cùng đi với quan đại thần Bảo Hải, các vị vương tử và thần dân, đến đạo tràng cúng dường Đức Phật Bảo Tạng. Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, vua Vô Tránh Niệm cùng quan đại thần Bảo Hải đồng phát Bồ đề tâm. Đức vua Tránh Niệm thời thệ nguyện trang nghiêm cõi Tịnh Độ để nhiếp thọ chúng sanh. Quan đại thần Bảo Hải thời thệ nguyện thành Phật ở uế độ hầu ngự phục mọi loài.

Đức Phật A Di Đà thời đã thệ nguyện trang nghiêm cõi Tịnh Độ để nhiếp thọ tất cả chúng sanh

Đức Phật Bảo Tạng thuyết rằng: “Quá trăm nghìn muôn ức Phật độ về phương Tây có thế giới của Tôn Âm Vương Như Lai, một hằng hà sa a-tăng-kỳ kiếp sau, thế giới đó sẽ đổi tên là Cực Lạc; bấy giờ vua sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ Như Lai. Và quan đại thần Bảo Hải sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu NiTa Bà thế giới”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thời đã thệ nguyện thành Phật ở uế độ hầu ngự phục mọi loài chúng sinh

“Quan đại thần chính là tiền thân của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức vua Vô Tránh Niệm là tiền thân của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.”

Lúc vua Vô Tránh Niệm phát nguyện và được thọ ký xong, Thái tử Bất Huyền – trưởng tử của vua, phát nguyện rằng : “Sau này, thời gian tôi tu Bồ Tát hạnh, có chúng sanh nào gặp phải các sự khổ não khủng bố… sầu lo cô cùng không ai cứu hộ, không chỗ cậy nương, kẻ ấy nhớ đến tôi, xưng danh hiệu của tôi, được thiên nhĩ tôi nghe đến, thiên nhãn tôi thấy đến, nếu những chúng sanh đó chẳng được thoát khỏi các sự khổ não khủng bố, thời tôi thề trọn không thành bậc Chánh giác. Và khi vua cha thành PhậtCực Lạc thế giới, thời tôi thường ở Cực Lạc thực hành Bồ Tát đạo và hộ trì Chánh pháp”.

Đức Bảo Tạng Như Lai thuyết với Thái tử rằng: “Ông quan sát tất cả chúng sanh mà sanh lòng đại bi, muốn dứt tất cả sự khổ não của chúng sanh, và muốn làm cho chúng sanh đều được an lạc, nay nên đặt hiệu cho ông là Quan Thế Âm. Về sau lúc Đức Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết Bàn, cõi Cực Lạc đổi tên là Nhứt Thiết Trân Bửu Thành Tựu thế giới, ông sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Biến Xuất Nhứt Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”.

 

quán thế âm bồ tát

Bấy giờ vương tử Ni Ma – con thứ của vua Vô Tránh Niệm, phát nguyện đem tất cả công đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề, và lúc Thái tử Bất Huyền thành Phật, người sẽ là vị Bồ Tát thỉnh chuyển pháp luân trước nhứt, cũng thường ở luôn một bên Sơn Vương Như Lai giúp Phật hoằng hóa.

đại thế chí bồ tát

Đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho Vương tử Ni Ma sẽ được toại nguyện, lúc Sơn Vương Như Lai nhập Niết bàn, người sẽ hộ trì Chánh pháp và sau cùng sẽ thành Phật nơi thế giới ấy, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bửu Vương Như Lai. Quang minh, thọ mạng, quốc độ, cùng tất cả Phật sự đều đồng như đức Sơn Vương Như Lai.

“Thái tử Bất Huyền là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, và Vương tử Ni Ma là tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát.”

Đức Phật A Di Đà là gương sáng của hạnh Thanh Tịnh, vì thân Ngài chói ngời hào quang thanh tịnh và ánh sáng. Đức Phật A Di Đà có phát 48 đại nguyện rộng lớn cứu độ tất cả chúng sanh, trong ấy có lời nguyện tiếp dẫn tất cả chúng sanh nào hướng niệm đến Ngài đều được vãng sanh lên cõi Cực Lạc.

Sự Tích Đức Phật A Di Đà

SỰ HÌNH THÀNH CÕI TÂY PHƯƠNG TỊNH ĐỘ - NƠI NGÀI LÀ GIÁO CHỦ

Cực Lạc Tịnh Độ nằm ở phương Tây cách nơi đây 10 vạn cõi ức Phật. Đây là một nơi đầy ánh sáng rực rỡ do Đức Phật A Di Đà phát ra. Thế giới này tràn ngập mùi hương thơm, đầy hoa trời (hoa Mandala) nhạc trời và châu báu. Ở cõi này không có chúng sinh nào mang ác nghiệp mà chỉ có các bậc Bồ Tát, cùng chúng Thanh VănDuyên Giác. Chúng sinh nhờ nguyện lực được sinh về thế giới này từ trong hoa sen (liên hoa hóa sinh), mọi mong cầu sẽ được như ý, không còn già chết bệnh tật. Cõi này là cõi mà có thể thay đổi theo cách nhìn của chính quý vị. Nếu quý vị yêu hoa màu trắng thì sẽ xuất hiện hoa màu trắng, tùy tâm ưa muốn. Nơi đây không có cảnh hoa cỏ tươi tốt rồi úa tàn, không có sinh trưởng rồi chết đi, không có bốn mùa đổi thay mà chỉ một mùa duy nhất, mùa xuân hoa nở tươi xinh, an vui hưởng lạc, vô cùng tự tại. 

Xem thêm Sự Khác Nhau Giữa Cõi Ta Bà và Cõi Tịnh Độ

Trong thế giới này, mọi chúng sinh đều cầu pháp và sẽ được nhập Niết-bàn. Nguồn hạnh phúc lớn nhất là được nghe Đức Phật A Di Đà giảng pháp, bên cạnh có hai vị Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.

 

48 đại nguyện của đức phật a di đà

Ðiều nguyện thứ nhất: Nếu con được thành Phật mà trong cõi nước con còn có địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con sau khi thọ chung còn phải sa vào đường dữ thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba: Nếu con được thành Phật mà tất cả Trời, Người trong cõi nước con thân không giống màu vàng y thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ tư: Nếu con được thành Phật mà tất cả Trời, Người trong cõi nước con thân hình còn có kẻ đẹp, người xấu thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ năm: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con không biết rõ túc mệnh của mình và những việc đã xảy ra trong trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ sáu: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con không được phép Thiên Nhãn, cho đến không thấy rõ trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bảy: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con không được phép Thiên Nhĩ, không được nghe và thọ trì hết thảy lời thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha các Ðức Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ tám: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con, không được thấy tâm trí kẻ khác, cho đến không biết rõ tâm niệm của hết thảy chúng sinh trong trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ chín: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con, không được phép thần túc, trong một khoảng một niệm, cho đến không vượt qua được trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con còn có ý niệm tham chấp thân hình thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười một: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con không trụ vào chính định và chứng quả Niết Bàn thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười hai: Nếu con được thành Phật mà ánh sáng còn có hạn lượng, không soi thấu được trăm ngàn ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười ba: Nếu con được thành Phật mà thọ mệnh còn có hạn lượng, chỉ được trăm ngàn ức na do tha kiếp thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười bốn: Nếu con được thành Phật mà hàng Thanh Văn trong cõi nước con còn có thể tính đếm được và chúng sinh trong ba ngàn Ðại Thiên thế giới ở trong trăm ngàn kiếp thành bậc Duyên Giác hết, rồi tính đếm mà biết được số đó là bao nhiêu thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười lăm: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con thọ mệnh còn có hạn lượng, trừ phi những bản nguyện riêng của họ muốn dài, ngắn đều được tự tại. Nếu không được như vậy thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười sáu: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con còn có ai nghe thấy tiếng chẳng lành thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười bảy: Nếu con được thành Phật mà vô lượng chư Phật ở mười phương thế giới không ngợi khen danh hiệu của con thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ mười tám: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chính pháp.

Ðiều nguyện thứ mười chín: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh mười phương phát tâm Bồ Ðề, tu các công đức, dốc lòng phát nguyện, muốn sinh về cõi nước con, tới khi thọ chung mà con chẳng cùng đại chúng hiện ra chung quanh trước mặt người ấy thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu của con, để lòng nhớ nghĩ đến nước con, tu trồng các công đức, dốc lòng hồi hướng, cầu sinh về cõi nước con mà không được vừa lòng thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi mốt: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước con chẳng được đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi hai: Nếu con được thành Phật, hết thảy chúng Bồ Tát ở cõi Phật phương khác sinh về cõi nước con, sau đó sẽ tới bậc Nhất Sinh Bổ Xứ, trừ bản nguyện riêng của mỗi vị tự tại hóa hiện, vì thương xót chúng sinh mà rộng lớn, bền chắc như áo giáp, tu các công đức, độ thoát hết thảy, rồi qua khắp các cõi Phật, tu hạnh Bồ Tát và cúng dường mười phương chư Phật, khai hóa vô số chúng sinh khiến lập nên đạo Vô Thượng Chính Giác. Chư vị vượt ngoài công hạnh, thông thường ở các địa vị mà tu tập theo hạnh nguyện của đức Phổ Hiền. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi ba: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con, nương sức thần của Phật đi cúng dường các đức Phật trong khoảng thời gian một bữa ăn mà không tới được vô số, vô lượng ức na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi bốn: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con ở trước chư Phật hiện ra công đức, muốn có muôn vàn vật dụng để cúng dường. Nếu không được như ý thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi lăm: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con không diễn thuyết được Nhất Thiết Trí thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi sáu: Nếu con được thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước con không được thân Kim Cương Na La Diên thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi bảy: Nếu con được thành Phật mà Trời, Người trong cõi nước cùng tất cả muôn vật không có hình sắc tốt đẹp, không thể tính lường, và hết thảy chúng sinh cho đến bậc đã được phép Thiên Nhãn mà không nói được rõ ràng danh số thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi tám: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con, cho đến kẻ có ít công đức nhất không thấy được ánh sáng muôn mầu của cây Bồ Ðề cao bốn trăm vạn do tuần thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ hai mươi chín: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con thụ trì, đọc tụng, giảng thuyết kinh pháp, mà không được trí tuệ biện tài thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi: Nếu con được thành Phật mà trí tuệ biện tài của các Bồ Tát trong cõi nước con còn có hạn lượng thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi mốt: Nếu con được thành Phật thì cõi nước con thanh tịnh, soi thấy tất cả vô lượng, vô số thế giới chư Phật ở mười phương không thể nghĩ bàn, như tấm gương sáng thấy được hình dạng mặt mày của mình. Nếu không được như vậy thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi hai: Nếu con được thành Phật, trong cõi nước con, từ mặt đất đến hư không, cung điện, lâu đài, hồ ao, cây cỏ và muôn hoa đều được tạo nên bằng vô lượng của báu hòa lẫn với ngàn thứ hương thơm. Tất cả đều xinh đẹp lạ lùng hơn cả cõi Trời và cõi Người. Hương thơm của muôn vật tỏa ra ngào ngạt khắp mười phương thế giới. Bồ Tát ở các nơi ngửi hương thơm ấy đều tu theo hạnh của Phật. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi ba: Nếu con được thành Phật, chúng sinh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, đều nhờ ánh quang minh của con chạm đến thân họ, khiến thân được nhẹ nhàng hơn cả Trời và Người. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi bốn: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu của con mà không được pháp Vô Sinh Pháp Nhẫn và các môn thâm tổng trì của bậc Bồ Tát thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi lăm: Nếu con được thành Phật mà nữ nhân trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con đều vui mừng, phát tâm Bồ Ðề, chán ghét thân gái. Sau khi mệnh chung mà còn phải làm thân nữ nhân nữa thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi sáu: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con, sau khi thọ chung, thường tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi bảy: Nếu con được thành Phật mà Trời và Người trong cõi vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con, cúi đầu đảnh lễ, năm vóc gieo xuống đất, vui mừng tu hạnh Bồ Tát, được hầu hết Trời và Người kính trọng. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi tám: Nếu con được thành Phật mà Trời và Người trong cõi nước con muốn có y phục thì y phục tốt đẹp tùy theo tâm niệm của họ tự nhiên hiện ra trên mình họ. Nếu còn phải cắt may, nhuộm, giặt thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ ba mươi chín: Nếu con được thành Phật mà Trời và Người trong cõi nước con không được sự hưởng thụ vui sướng bằng vị Tỉ Khưu đã dứt hết mọi phiền não thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con tùy ý muốn thấy vô lượng thế giới trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật ở mười phương đều được như nguyện. Chẳng hạn, nhìn trong cây báu thấy rõ hết cả như nhìn vào tấm gương sáng thấy rõ nhân diện. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi mốt: Nếu con được thành Phật mà các chúng Bồ Tát ở thế giới khác nghe danh hiệu con, từ đó đến khi thành Phật mà các sắc căn còn thiếu kém thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi hai: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu con, đều được chính định giải thoát thanh tịnh; rồi trụ vào chính định đó trong khoảng một ý niệm cúng dường vô lượng chư Phật Thế Tôn chẳng thể nghĩ bàn, mà vẫn không mất chính định. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi ba: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu con sau khi mệnh chung, thác sinh vào nhà tôn quý. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi tư: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu con vui mừng hớn hở, tu hạnh Bồ Tát, trọn đủ công đức. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi lăm: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu con đều được Phổ Ðẳng tam muội, rồi trụ vào tam muội đó cho đến khi thành Phật, thường được thấy chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi sáu: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát trong cõi nước con muốn nghe pháp gì, đều theo chí nguyện mình, tự nhiên được nghe. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi bảy: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu con mà chẳng tới được bậc Bất Thoái Chuyển thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Ðiều nguyện thứ bốn mươi tám: Nếu con được thành Phật mà các Bồ Tát ở phương khác, nghe danh hiệu con mà chẳng tới ngay được ba đức nhẫn: Âm Hưởng Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sinh Pháp Nhẫn. Ðối với các pháp của Phật mà không chứng được bậc Bất Thoái Chuyển thì con chẳng trụ ở ngôi Chính Giác.

Diệu tướng thường thấy của Ngài

Diệu tướng thường thấy của Đức Phật A Di Đà thường được gắn với ánh sáng rạng rỡ, lan ra khắp mọi ngõ ngách vũ trụ mà không làm thiêu đốt hay mù loà.

Trong các ngôi chùa, bạn có thể nhận ra tôn tượng Phật A Di Đà qua các đặc điểm sau: Trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, khoác trên người áo cà sa màu đỏ (tượng trưng cho màu mặt trời lặn ở phía Tây). Một cách phân biệt rõ ràng nhất là Phật A Di Đà trước ngực có chữ Vạn (卍).

Phật A Di Đà có thể trong tư thế đứng, tay làm ấn giáo hóa – tức là tay mặt đưa ngang vai, chỉ lên, tay trái đưa ngang bụng, chỉ xuống, hai lòng bàn tay hướng về phía trước; trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau làm thành vòng tròn.

Đức Phật A Di Đà cũng có thể ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền (tay để ngang bụng, lưng bàn tay phải nằm chồng lên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau). Trên tay Phật có thể giữ một cái bát, hoặc một đoá hoa sen là dấu hiệu cho giáo chủ.

Thường bên Đức Phật A Di Đà sẽ có 2 vị Bồ Tát thường được minh họa cùng là Bồ tát Quán Thế Âm (bên trái, cầm cành dương và bình nước cam lộ) và Đại Thế Chí Bồ tát (bên phải, cầm bông sen xanh).

Chân ngôn thần chú của đức phật a di đà như lai

 

Trì tụng a di đà minh chú

thủ ấn của a di đà như lai

Vãng Sinh Tịnh Độ Thần Chú

Thiện Hóa
Thiện Hóa

Đời đạo hòa đồng tâm an lạc
Sắc không quy nhứt tánh viên minh

Bình Luận

Tháng 05 năm 2024
02
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 5
Ngày Bính Dần
Tháng Mậu Thìn
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
24
Tháng 03

Về Bích Tọa Đàm

Chúng tôi, những thiện nam tín nữ với 1 lòng thành kính hướng về ngôi Tam bảo, xin được phép thành lập trang Bích Tọa Đàm để làm nơi chia sẻ những lời huyền ngọc, những kiến thức Phật học mà chúng tôi đã hữu duyên kiến huệ được. Nếu có sự trùng lặp hoặc chưa đúng. Rất mong được quý vị, chư đồng đạo hoan hỉ bỏ qua. Cùng nhau góp ý xây dựng để hoằng dương Phật pháp. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Muôn loài sớm thoát khỏi đường mê, quay về nẻo giác. Chúng sinh đồng thành Phật đạo.

 – NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT –

Kết nối với chúng tôi

Bài viết gần đây

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Đăng kí nhận bài viết mới

Đăng kí nhận thông báo về các bài viết mới nhất của Bích Tọa Đàm. 

error: Nội dung được bảo vệ !!

THAM GIA NHÓM FACEBOOK

Hoan hỉ kính mời bạn cùng tham gia vào nhóm của BÍCH TOẠ ĐÀM trên Facebook để cùng nhau tinh tấn tu tập và trao đổi chánh Pháp.
🙏🏻Nam Mô A Di Đà Phật🙏🏻