NGUỒN GỐC CỦA THẦN CHÚ
OM MANI PADME HUM (tiếng Tây Tạng là OM MANI PEME HUNG) là một thần chú Phật giáo cổ tiếng Phạn (Sanskrit). Thần chú này còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chú”. Là câu thần chú nổi tiếng ở khắp thế giới. Phật tử nào cũng thuộc, môn phái nào cũng trì tụng vì oai lực bất khả tư nghị của thần chú này. Tương truyền rằng, thần chú này cùng với bài Chú Đại Bi do Đại Bồ Tát Quán Thế Âm vì thương xót chúng sanh mà tuyên thuyết tâm chú này trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng mười phương chư Phật.
Theo kinh điển Đại Thừa, chính đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã cúng dường lên Đức Phật Thích Ca chân ngôn Lục Tự Đại Minh này, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giao phó cho Quán Thế Âm Bồ Tát Phật sự cao quý này là cứu giúp tất cả chúng sanh thoát khỏi các khổ nạn trên con đường tiến đến giác ngộ.
Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương [Mahãyãna Avalokitesvara-guṇa-karandavyũha Sũtra – The Basket’s Display] là kinh Phật thuyết giảng về Lục Tự Đại Minh trong tương quan với Đức Quán Thế Âm. Kinh này xác nhận Lục Tự Đại Minh phù hợp với tất cả các Pháp Phật, và vô cùng vi diệu, cứu độ và giải thoát chúng sanh trên khắp thế gian không phân biệt, bằng sự sáng suốt giác ngộ tự thân.
Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh xem Lục Tự Đại Minh như “cốt lõi” [pith] tức là tinh túy cô đọng của toàn bộ “tám vạn bốn ngàn Pháp môn”. Thế nên Lục Tự Đại Minh có mang danh hiệu khác là “hạt lúa của Đại Thừa” [rice seed] và việc trì tụng chú này có lợi lạc ngang với việc tụng niệm rất nhiều kinh chú khác nhau.
Ngoài kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, thần chú Om Mani Padme Hum còn xuất hiện trong bài Quán Âm Linh Cảm Chân Ngôn, Nghi Thức Bộ Chú, và trong Bộ Chú Mani Kabum của Phật giáo Tây tạng về đức Quán Thế Âm [Mani Kabum: Prophecies and Teachings of Great Compassion]. Trong các nghi thức tụng niệm lễ lạc trong tự viện hay tại gia đều có ghi câu thần chú này.
OAI LỰC BẤT KHẢ TƯ NGHỊ VÀ CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG CỦA THẦN CHÚ
Vị Thầy Liên Hoa Sanh nói với Vua Mutig của Tây Tạng và các học trò thân cận:
OM MANI PADME HUM: là tinh túy của Bậc Đại Bi, vì vậy công đức khi tụng dù chỉ một lần câu thần chú này là hoàn toàn không thể đong đếm.
- Từ một hạt sen mọc thành cây, nở ra bông sen, bông sinh ra các hạt sen, và cứ thế, cứ thế… có biết bao nhiêu hạt sen hình thành từ một hạt ban đầu, không thể tính được. Nhưng đem so sánh với điều này, lợi ích của trì tụng dù chỉ một lần thần chú Sáu âm còn nhiều hơn số hạt sen được nhân lên.
- Một hạt vừng cũng vậy có thể nhân lên nhiều lần, thành vô số hạt vừng, nhưng lợi ích của trì tụng dù chỉ một lần thần chú Sáu âm còn nhiều hơn.
- Bốn con sông lớn và vô vàn sông nhỏ chảy về biển cả, nhưng lợi ích của việc trì tụng một lần thần chú Sáu âm còn nhiều hơn thế.
- Viên Ngọc Như Ý có thể ban cho con tất cả nhu cầu và ước muốn khi con cầu nguyện, nhưng năng lực của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì còn cao hơn thế.
- Có thể đếm được số giọt mưa trong 12 mùa mưa, nhưng công đức của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể đếm.
- Có thể đếm được số hạt gieo trên 4 lục địa, nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể đếm.
- Có thể đếm được bao nhiêu giọt nước trong đại dương, từng hạt, nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể đếm.
- Có thể đếm được từng sợi lông của khắp các loài vật, nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể đếm.
- Có thể tính được công đức của việc nặn bảo tháp từ 7 nguyên liệu quý và xá lợi Phật và thường xuyên cúng dường, nhưng công đức của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể đếm.
Có thể tính đếm công đức của việc cúng dường hương, đèn, hoa, nước, âm nhạc… lên các vị Phật và cõi Phật với số lượng nhiều như số hạt được gieo trồng trên toàn thế giới nhưng công đức của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể tính đếm.
OM MANI PADME HUM: Thần chú Sáu âm là tinh túy của Bậc Đại Bi. Dẫu là quả núi sắt cao 80 nghìn dặm, chỉ dùng khăn mềm nhất, một niên kỷ mài một lần, thì cũng đến ngày sụp đổ. Nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không suy chuyển.
- Một con côn trùng gặm quả đồi, gặm mãi rồi cũng có ngày quả đồi to bị gặm đến tận lõi, nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể suy giảm.
- Một con chim có thể dùng mỏ lấy dần hết sạch cát sông Hằng, nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể cạn.
- Một con ruồi trâu mỗi lần đậu xuống, chân nó mang theo một chút đất đi nơi khác. Con ruồi có thể ngày qua ngày dần mang hết đất của 4 lục địa và núi Sumeru, nhưng giá trị của một lần trì tụng thần chú Sáu âm thì không thể hết.
Ý NGHĨA CỦA THẦN CHÚ
Om Mani Padme Hum là một câu thần chú tiếng Phạn, được xem là thần chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) và là thần chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Thần chú có sức mạnh hàng phục yêu ma, hoá giải và diệt trừ mọi tai nạn, đau khổ. Giúp người tu tập vượt qua mọi chướng ngại, đạt giải thoát và trí tuệ sáng suốt của nhà Phật, gọi là Đại Minh.
Quán về ý nghĩa của minh chú OM MANI PADME HUM
- OM – Tiếng khởi đầu của mỗi câu Thần chú, chỉ Thân miệng ý của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, gồm toàn cả vũ trụ.
- MANI – Viên ngọc quí của tâm từ Bi
- PADME – Hoa sen tượng trưng cho trí tuệ trực nhận tánh Không
- HUM -Ở trong (Kết hợp thuần nhất giữa Từ Bi và Trí Tuệ)
Toàn câu Thần chú có nghĩa là: Viên ngọc quí trong hoa sen, cầu chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trợ.
Ý Nghĩa Về Mặt Thanh Âm
Đầu tiên là chữ “Om” đọc là “Úm”hoặc “Án”. Khi quý vị tụng chữ “Án” nầy, tất cả quỷ thần đều phải chắp tay lại. Vì sao phải chắp tay lại? Đó là giữ gìn pháp tắc, tuân theo khuôn phép. Quý vị tụng một chữ nầy, thì tất cả quỷ thần đều không dám gây rối, không dám không tuân theo mệnh lệnh. Chữ nầy có nghĩa là “tiếng dẫn” (dẫn thanh), là tiếng mở đầu dẫn tới những lời chú tiếp theo, cho nên khi đọc chú, đầu tiên đều đọc chữ này.
“MaNi” đọc là “Ma Ni” chính là “mâu ni”. “Mâu ni” là tiếng Phạn, dịch là “trí tịch,” tức là dùng trí huệ để làm sáng tỏ tất cả các đạo lý, và do đó đạt đến trạng thái tịch diệt vô sanh. Lại có thể dịch là “ly cấu,” nghĩa là rời xa tất cả bụi bặm dơ bẩn, ví như viên ngọc “như ý,” rất toàn hảo, không có chút tỳ vết. Viên bảo châu “như ý” nầy có công năng sanh trưởng tất cả công đức, có thể đáp ứng mọi sở nguyện của con người.
“PADME” vốn nên đọc là “Bát Ni” hoặc “Bát Mê” ,dịch là “quang minh viên giác”; cũng dịch là “liên hoa khai,” tức là diệu tâm của Bồ tát Quán Thế Âm, diệu tâm ấy viên mãn đầy đủ, vô ngại.
Chữ “HUM” đọc là “Hồng” có nghĩa là “xuất sanh” —tất cả mọi thứ đều có thể được sanh ra từ chữ “Hồng” nầy. Lại có nghĩa là “ủng hộ” —niệm chữ nầy thì liền cảm ứng chư Hộ Pháp thiện thần đến trợ giúp, che chở cho quý vị. Lại còn có nghĩa là “tiêu tai” —quý vị có tai nạn gì, tụng chữ nầy liền được tai qua nạn khỏi. Lại cũng có nghĩa là “thành tựu” —bất luận quý vị cầu nguyện điều gì, đều có thể được thành tựu như ý.
Chân ngôn “Om Mani Padme Hum”là hiện thân tất cả năng lực từ bi, trí tuệ và công hạnh của đức Quán Thế Âm tôn quý, hiện thân bi mẫn của tất cả chư Phật. Bồ Tát đã phát nguyện và tích tập vô lượng công đức, trí tuệ và phương tiện thiện xảo để cứu giúp toàn chúng sanh. Thế nên, bất cứ ai có niềm tin chân thành và sâu xa ở Ngài và nỗ lực trong việc thực hành pháp môn, sẽ phát ra năng lượng hay âm thanh (của tâm) và đức Quan Thế Âm có thể cảm nhận được để cứu độ giải thoát khỏi phiền não.
Ý nghĩa về mặt Chủng Tử Tự
Pháp môn này có ý nghĩa trong chú tự (hay chủng tử) không, hay chỉ là âm thanh thiêng liêng? Nhiều vị tu tập đắc pháp đã tìm thấy những bài học từ mỗi chú tự này và truyền thụ lại cho hậu sanh. Dưới đây là Bảng Lược Kê từng chú tự, về các ý nghĩa, đặc điểm, các cõi tương ứng và khả năng tịnh hóa, các pháp môn tương quan, cùng sự liên hệ đến các vị Phật và cõi Tịnh Độ của Ngài.
* Chú tự “OM”:
– OM có màu trắng, biểu thị cho Thiên giới;
– OM liên hệ đến Bảo Sanh Phật [Ratnasambhava];
– OM đóng cánh cửa luân hồi trong cõi trời.
– OM thanh tịnh hóa bản thân;
– OM lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật;
– OM liên hệ đến Bố Thí Ba La Mật (hay hạnh độ);
– OM liên hệ đến trí tuệ thanh thản, an bình.
* Chú tự “MA”:
– MA có màu xanh, biểu thị cho Tu La đạo;
– MA liên hệ đến Bất Không Thành Tựu Phật [Amaghasiddi];
– MA đóng cánh cửa cõi thần, A Tu La;
– MA thanh tịnh hóa lời nói;
– MA lời cầu nguyện hướng về lời nói của các vị Phật;
– MA liên hệ đến Trì Giới Ba La Mật;
– MA liên hệ đến trí tuệ hoạt động.
* Chú tự “NI”:
– NI có màu vàng, biểu thị cho Nhân Gian giới;
– NI liên hệ đến Kim Cương Trì [Vajradhara] và Phổ Hiền Bồ Tát;
– NI, đóng cánh cửa cõi người;
– NI thanh tịnh hóa tâm thức;
– NI lời cầu nguyện hướng về tâm thức các vị Phật;
– NI liên hệ đến Nhẫn Nhục Ba La Mật;
– NI liên hệ đến trí tuệ tự tái sanh.
* Chú tự “PAD”:
– PAD có màu xanh lục, biểu thị cho Súc Sanh đạo;
– PAD liên hệ đến Tỳ Lô Xá Na Phật [Vairocana];
– PAD, đóng cánh cửa cõi súc sanh;
– PAD thanh tịnh hóa những cảm xúc mâu thuẫn;
– PAD lời cầu nguyện hướng về những phẩm chất của các vị Phật;
– PAD liên hệ đến Tinh Tấn Ba La Mật;
– PAD liên hệ đến trí tuệ pháp giới.
* Chú tự “ME”:
– ME có màu hồng, biểu thị cho Ngạ Quỷ đạo;
– ME liên hệ đến A Di Đà Phật [Amitabha];
– ME đóng cánh cửa cõi ngạ quỷ;
– ME thanh tịnh hóa điều kiện ẩn tàng;
– ME lời cầu nguyện hướng về hoạt động của các vị Phật;
– ME liên hệ đến Thiền Định Ba La Mật;
– ME liên hệ đến trí tuệ phân biệt.
* Chú tự “HUM”:
– HUM có màu đen huyền, biểu thị cho Địa Ngục đạo;
– HUM, liên hệ đến A Súc Bệ Phật [Akshobya];
– HUM đóng cánh cửa cõi địa ngục.
– HUM thanh tịnh hóa tấm màn che phủ trí tuệ.
– HUM lời cầu nguyện sự thanh tịnh thân, khẩu, ý, phẩm hạnh, và năng lượng Phật.
– HUM liên hệ đến Trí Tuệ Ba La Mật;
– HUM liên hệ đến trí tuệ như gương.
Như vậy, việc trì tụng chân ngôn không chỉ lợi ích nhỏ hẹp cho bản thân hành giả, mà tất cả năng lượng và công hạnh vô hạn của sáu chữ chủng tử Đại Minh Vương Chân Ngôn này còn chấn động cả sáu cõi chúng sanh, từ tận cùng của cõi luân hồi phiền não giải thoát chúng sanh thoát khỏi đau khổ, sợ hãi. Hành giả nên trì tụng Chân Ngôn này càng nhiều, càng lâu càng tốt.
Ngoài ra, còn nhiều ý nghĩa cao siêu hơn nữa, mà chỉ khi nào bước chân vào đường đạo, được huệ tâm huệ trí thì quý vị mới có thể hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa của câu Thần Chú này.
CÔNG NĂNG CỦA THẦN CHÚ
Khi ai đó bị đau đớn bởi bệnh tật và ảnh hưởng của ma quỷ, Lục Tự Đại Minh Chú có giá trị ngăn ngừa bệnh tật và chướng ngại tốt hơn nhiều so với các lễ nghi chữa lành hay giải trừ thông thường. Minh Chú Sáu Âm có sức mạnh chữa lành bệnh tật và tác hại của ma quỷ mạnh mẽ nhất so với bất kỳ sự chữa trị thuốc men nào.
Tại sao vậy? Vì thần chú này là tinh tuý của Tâm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cao quý, Ngài luôn dõi theo chúng sinh trong sáu cõi với lòng từ bi. Vì thế, tụng chú này sẽ giải thoát các chúng sinh khỏi luân hồi sinh tử.
Trong Tây Tạng Quán Âm Kinh, Ngài Ma Ni Già Bộ Bà (Manïi bkahï hïbumï) đã dùng thi ca xưng tán công đức của Lục Tự Minh Chú và nói thần chú này là cội nguồn của Trí Tuệ giải thoát với mọi sự cứu tế khoái lạc. Trong Lục Tự Đại Minh Chú:
- Nếu có người xướng lên chữ OMÏ (ওঁ- có màu trắng) thì công đức ấy sẽ giúp cho người này sau khi chết sẽ cắt đứt được sự lưu chuyển vào Thiên Giới.
- Nếu xướng lên chữ MA (ম – có màu xanh dương) thì có thể miễn trừ được sự luân hồi trong nẻo Tu La, là nơi cư ngụ của loài quỷ Thần ác.
- Nếu xướng lên chữ NÏI (ণি – có màu vàng) thì sẽ xa lìa sự tái sinh vào chỗ ách nạn của cõi Nhân gian.
- Nếu xướng lên chữ PAD (প – có màu xanh lục) thì sẽ xa lìa được sự luân hồi vào chỗ tai nạn của nẻo súc sinh.
- Nếu xướng lên chữ ME (দ্মে – có màu hồng) thì sẽ tránh khỏi sự trầm luân vào cảnh khổ đau của nẻo Ngạ Quỷ.
- Nếu xướng lên chữ HÙMÏ (হুঁ – có màu đen huyền) thì sẽ giúp cho kẻ ấy sau khi chết miễn trừ được sự khổ đau của nẻo Địa ngục.
Bởi vậy thực hành sáu chữ minh chú này thì đạt cái huệ tự nhiên, cái vô phân biệt trí, cái trí tự nhiên biết, thấy như thật, biết như thật để làm như thật. Nên gọi là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Thần chú này có thể đọc thì thầm hàng ngày, gặp hung hóa cát.
Tây Tạng Quán Âm Kinh lại nói rằng: “Thiện nam tử! Người trì minh kia (người trì thần chú) ở trong bụng có các trùng, các trùng ấy sẽ được Bất thối chuyển địa vị Bồ Tát. Nếu lại có người lấy sáu chữ Ðại Minh Ðà Ra Ni này mà đeo giữ nơi thân, trên đảnh. Thiện nam tử! Nếu thấy được người đeo giữ ấy, thời cũng như thấy thân Kim Cang, như thấy tháp Xá Lợi, như thấy Đức Như Lai, như thấy một trăm ức trí tuệ. Nếu có kẻ trai lành gái tín nào hay y pháp niệm sáu chữ Ðại Minh Ðà Ra Ni này, thì người đó sẽ được vô tận biện tài được trí tuệ thanh tịnh, được đại từ bi, như vậy người đó ngày ngày được viên mãn công đức sáu chữ Ba La Mật Đa. Người đó được Trời Chuyển Luân Thánh Vương quán đảnh, người ấy lời nói hơi trong miệng phát ra, chạm đến thân người nào, người chạm được bất thoái chuyển Bồ Tát, mau chóng chứng đắc Vô thượng bồ đề Chánh đẳng chánh giác. Nếu người đeo giữ và thọ trì lấy tay chạm đến người khác, người được rờ chạm ấy mau được Bồ Tát vị. Nếu kẻ nam người nữ, con trai con gái, cho đến dị loại hữu tình khác, thấy được người đeo và thọ trì ấy, tất cả đều mau được Bồ Tát vị. Người như thế đó, vĩnh viễn không còn chịu khổ sanh, già, bịnh, chết, khổ thương xa lìa, mà được sự niệm tụng tương ưng không thể nghĩ bàn.”
(trích Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh )
“Chẳng phải dùng miệng xướng lên Minh Chú này thì mới có công đức.Nếu kẻ nào đeo chú này trên thân, hoặc cột vào tay, hoặc chôn trong da thịt thì cũng tạo được nhân chủng giải thoát khỏi sinh tử”. Một khi quý vị niệm Chú Lục Tự Đại Minh, thì sẽ có vô lượng chư Phật, vô lượng Bồ tát và vô số hộ pháp Kim Cang thường xuyên đến ủng hộ quý vị. Cho nên, Bồ tát Quán Thế Âm sau khi nói xong Chú Lục Tự Đại Minh này, liền có bảy ức đức Phật đến vây quanh, ủng hộ. Oai lực và diệu dụng của Chú Lục Tự Đại Minh rất lớn, không thể nghĩ bàn.
TRÌ TỤNG THẦN CHÚ
OM MANI PADME HUM là tinh túy của Bậc Đại Bi, vì vậy công đức khi tụng dù chỉ một lần câu thần chú này là hoàn toàn không thể đong đếm.
- Trì tụng thần chú này 108 lần mỗi ngày, con sẽ không tái sinh vào ba cõi thấp. Trong đời sau, con sẽ có được thân người và dễ dàng thấy được Quán Thế Âm Bồ Tát cao quý.
- Nếu con trì tụng thần chú này 21 lần mỗi ngày, con sẽ thông minh và có khả năng nắm bắt những gì con học. Con sẽ có giọng nói du dương và trở nên tinh thông ý nghĩa của Phật Pháp.
- Nếu con trì tụng 7 lần mỗi ngày, mọi ác hạnh của con sẽ được tịnh hóa, mọi mê mờ sẽ tan biến. Trong các đời sau, dù con sinh ra ở đâu, con sẽ không bao giờ tách rời với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Dưới đây là một số các phương pháp thông dụng có thể thực hiện được trong đời sống hằng ngày của bất kỳ hành giả với bất kì trình độ nào.
Niệm Chú Đếm Hạt Châu
Còn gọi là lần tràng hạt hay sổ châu. Thường đi chung với điều tức hay kiểm soát hơi thở. Người tân tu theo phương pháp này dễ thực hiện và ghi nhớ. Mang theo xâu chuỗi hạt bên mình, tự hứa nguyện là sẽ tụng bao nhiêu chuỗi trong thời khoảng nào. Cứ mỗi lần tụng (đọc lên hay đọc thầm) một câu “Om Mani Padme Hum” lại lần một hạt, cho đến hết chuỗi (108 hạt). Pháp này giúp tập trung tư tưởng, và tạo tập quán niệm chú. Có tác dụng ít hay nhiều tùy vào nguyện lực, sự chú tâm và tinh tấn của hành giả.
Niệm chú theo hơi thở
Pháp này có thể làm mọi lúc mọi nơi, vì chỉ tập trung vào hơi thở. Tuy nhiên vì không có phương tiện bên ngoài (như tràng hạt) nhắc nhở, nên hành giả phải quyết chí tự tập trung bản thân niệm chú. Việc trì chú nương theo hơi thở là một trong những cách tuy đơn giản vì chỉ dùng chính hơi thở ra vào của chính mình, nhưng lại hữu hiệu, vì lúc nào cũng có thể thực hành. Tuy nhiên, lúc mới tập hành giả cần có đức tin và sự tập trung để làm chủ tâm mình nhớ niệm chú theo nhịp thở.
Hành giả chỉ đọc (thầm) thần chú theo hơi thở như sau: Khi hít vào (phình bụng) – đọc: “om mani”; Khi thở ra (xẹp bụng) – đọc: “pad me hum.”
Nếu thực hành được điều này, cả ngày không lúc nào tâm rời khỏi câu thần chú, tất sẽ luôn được sức mạnh thần chú bảo vệ.
Tập trung tụng niệm thần chú
Đây là cách hoàn toàn tập trung thân khẩu ý vào việc trì chú. Có thể thực hiện riêng một mình hay trong các tự viện cùng các Phật tử khác.Trong các buổi lễ đạo hàng chục, hàng trăm, ngàn người cùng tập trung niệm chú nghe đầy uy lực.
Khi trì chú thì cần tập trung tâm ý vào thần chú mới có thể phát huy tối đa tác dụng. Niệm thành tiếng, và tập trung tự lắng nghe lại chính âm thanh trì chú mà mình, sẽ dễ phát huy năng lượng. Dùng tràng hạt thì tay trái lần tràng hạt, khi đó sự tập trung của cũng tăng lên và sức mạnh câu thần chú cũng được tăng lên nhiều lần.
Sau mỗi buổi thực hành cá nhân hay tập thể, đều cần hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Trong việc tu tập, bất cứ đọc tụng kinh sách nào đều cần phải hồi hướng công đức thì mới xem như viên mãn. Không thể giữ những công đức ấy cho riêng mình, vì lòng ích kỷ quy ngã là đi ngược lại nguyên tắc từ bi hỉ xả và vô ngã của Phật đạo, và công đức ấy sẽ khó tồn tại.
Thiền Quán Lục Tự Đại Minh
Đây là Mật Pháp Thiền Quán Âm, vận dụng tinh hoa của Lục Tự Đại Minh Thần Chú đưa vào tâm để tạo thành năng lượng tâm vi diệu. Pháp môn phi thường này cần có Minh Sư chỉ dẫn và theo dõi. Dưới đây chỉ là vài nguyên lý cơ bản của pháp môn.
Danh hiệu “Quán Thế Âm” tượng trưng cho cái nghe ngược về bên trong tâm ý. Thông thường, ý nghĩa là Bồ Tát quán sát, lắng nghe âm thanh kêu khổ của thế gian để khởi tâm đại từ đại bi cứu khổ chúng sanh. Trong pháp tu, Quán Thế Âm còn có ý nghĩa là cách quán sát âm thanh thế gian qua năm tầng lớp, dần đi đến Phật Thừa.
- Đầu tiên, hành giả quán sát âm thanh giả, tập lắng tâm thật tịnh tiến dần đến điểm lặng yên tột cùng. Thí dụ trụ tâm chặt vào câu niệm “Om Mani Padme Hum.”
- Bậc thứ nhì đó là tập quán sát thực âm, âm thanh thực tế của cuộc sống. Trụ tâm vào âm thanh này thì âm thanh này biến thành mã khóa và nó có tác dụng cột chặt tâm để vào định.
- Kế tiếp là quán sát âm thanh vi tế hơn gọi là diệu âm. Diệu âm có nghĩa là không phải nghe âm thanh bằng lỗ tai, mà nó là cái hiểu biết qua sự nghe, gọi là nhĩ thức. Bạn nghe một âm thanh não vận động, tư duy tạo ra một ý niệm về âm thanh này gọi là cái biết của sự nghe, gọi là nhĩ thức. Nếu thực sự tu đến mức độ này thì sáu căn sẽ hợp nhất. Không những nghe bằng tai, mà còn nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng lưỡi, nghe qua xúc giác của đụng chạm sờ mó. Nếu không trụ vào các căn mà trụ vào cái biết của căn khi đối diện với lục trần thì nhĩ thức cũng như các thức khác. Cái biết sau khi nghe cũng như cái biết sau khi thấy, không khác gì nhau. Bởi vậy gọi là quán sát âm thanh ở thể diệu âm.
- Nếu đã thực chứng diệu âm tiến lên quán sát âm thanh của Đà La Ni hay thần chú của Chư Phật, là âm thanh không nội dung, hay âm thanh vô ngã. Nhập vào biển âm thanh này, âm thanh chỉ là tác nhân, khiến năng lượng giác ngộ hiển thị thành Phật lực, khiến trí tuệ phát triển thành tự nhiên trí.
- Giai đoạn chót, âm thanh thứ năm, dạng âm thanh tối thượng, nếu thực chứng sẽ đạt Bát Nhã Ba La Mật Đa, đó là âm thanh cõi lặng yên, âm thanh không tiếng động. Âm thanh không tiếng động là ý nghĩ trong đầu, đó là cảnh biến diệt của nội tâm, là chứng nhân cho trạng thái vận động của não bộ. Tâm không có ý niệm không có âm thanh nào thì biết nó không có âm thanh nào, âm thanh nào khởi lên có đặc tính của âm thanh ấy. Sự nhận biết, chứng kiến trạng thái biến dịch của tâm qua kỹ thuật lắng nghe âm thanh của tâm thức chính là sự cảm nhận, gọi là âm thanh cõi lặng yên. Chân không, chân tâm chính là pháp giới này. Nghe được âm thanh của chân tâm thì tượng trưng cho Bồ Tát Quán Thế Âm nghe tiếng kêu khổ của thế gian.
Bồ Tát Quán Thế Âm đã tuyên thuyết Lục Tự Đại Minh Chú “Om Mani Padme Hum.” Gọi là Đại Minh tất công năng là phải giúp cực kỳ sáng suốt, sự sáng suốt này đến từ ngã âm thanh, từ giả âm, đến thực âm, diệu âm, đà la ni vô ngã âm, rồi âm thanh cõi lặng yên, của chân không. Đây là pháp môn cực kỳ thiện xảo vi diệu. Thần chú “Om Mani Padme Hum” có công năng giúp đạt được sự việc ấy.
– Thiện Hoá tổng hợp và lược dịch –
Om MaNi PadMe Hum (tiếng Phạn)