NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Tứ Diệu Đế lần đầu tiên được Đức Phật giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như, tại vườn Lộc Uyển. Bài pháp nói về 4 Chân Lý Vô Thượng. Trong đó, Đạo Đế nói về phương pháp hành trì, giúp hành giả đi trên con đường dẫn đến an vui Niết Bàn. Đó là Con Đường Thánh gồm tám chi: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

bát chánh đạo
Đức Phật thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như

Bát Chánh Đạo hay còn gọi là Bát Thánh Đạo là giáo lý căn bản của Đạo Đế (thuộc Tứ Diệu Đế) gồm 37 phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ Thừa Phật giáo.

NỘI DUNG CỦA BÁT CHÁNH ĐẠO

Bát Chánh Đạo thuộc Đạo Đế – là một trong Tứ Diệu Đế do Đức Phật Thích Ca sau khi Giác Ngộ dưới cội cây Bồ Đề vì tâm từ bi mà Ngài đã thuyết dạy cho chúng sanh.

BÁT CHÁNH ĐẠO
BÁT CHÁNH ĐẠO

Bát Chánh Đạo gồm có:

  1. Chánh Kiến (skrt: samyag-dṛṣṭi, pāli:sammàditthi): thấy đúng
  2. Chánh Tư Duy (skrt: Samyak-saṁkalpa, pāli: sammàsankappa): suy nghĩ đúng
  3. Chánh Ngữ (skrt: Samyag-vāc, pāli: sammàvàca): nói đúng
  4. Chánh Nghiệp (skrt: Samyak-karmānta, pāli: samm kammata): làm việc đúng
  5. Chánh Mạng (skrt: Smnyag-ājīva, pāli: sammààjiva): nuôi mạng sống đúng
  6. Chánh Tinh Tấn (skrt: Samyag-vyāyāma, pāli: sammààyàma): siêng năng đúng
  7. Chánh Niệm (skrt: Samyak-smṛti, pāli: sammà satti): nhớ đúng
  8. Chánh Định (Samyak-samadhi, pāli: sammà samàdhi): tập trung đúng.

 

Bát Chánh Đạo có thể chia thành 3 nhóm theo đặc tính thực nghiệm của mỗi chi nhánh:

 

🌿 TUỆ (Prajna) gồm có:

  1. Chánh Kiến
  2. Chánh Tư Duy

Chánh Kiến nhờ trợ lực của Chánh Tư Duy mà quan sát đối tượng để nhận định đâu là đúng, đâu là sai.

Nhóm TUỆ này nhằm trau dồi, vun đắp cho Trí Tuệ để đi đến con đường đạt Giác Ngộ.

🌿 GIỚI / LUÂN LÝ (Sila) gồm có:

  1. Chánh Ngữ
  2. Chánh Nghiệp
  3. Chánh Mạng

Nhóm GIỚI này nhằm trau dồi, vun trồng những hành vi đạo đức tốt như lòng thương người, tâm Từ Bi qua những gì mình nói, qua những gì mình làm, và qua nghề nghiệp mình chọn lựa để sinh sống.

🌿 ĐỊNH (Samadhi) gồm có:

  1. Chánh Tinh Tấn
  2. Chánh Niệm
  3. Chánh Định

Nhóm ĐỊNH này giúp tập trung vào những đối tượng đúng, thanh tịnh để đạt đến Niết-Bàn, đến Giải Thoát.

Con đường tu tập BÁT CHÁNH ĐẠO

cũng chính là con đường tu tập

GIỚI – ĐỊNH – TUỆ

1. CHÁNH KIẾN

CHÁNH là ngay thẳng, sáng suốt, đúng đắn. KIẾN là thấy, nhận biết.

BÁT CHÁNH ĐẠO

CHÁNH KIẾN là thấy, nghe, nhận thức đúng đắn, sáng suốt và hợp lý trên căn bản của Trí Tuệ. Thấu hiểu sự Vô Thường Tạm Bợ trong cuộc đời. Thấy rõ như thực tướng của Ngũ Uẩn. Không còn vướng bụi của Tà Kiến, Mê LầmVọng Chấp.

Người có chánh kiến biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật. Và khi đã biết cảnh giả, vật dối, thì mắt không chăm, tâm không chú. Biết rõ cảnh vật thật, lời lẽ chân, thì chuyên tâm vào sự lý chân thật làm cho đèn Huệ sáng ngời. Vô Minh không phương cách chi mà che ám được.

Cũng như bạn có thể đọc các hướng dẫn trên bản đồ, nghiên cứu để chuẩn bị cho cuộc hành trình… Đọc và kiểm tra các thông tin rất quan trọng. Nhưng chỉ dừng lại ở bước chuẩn bị. Ở mức độ sâu xa hơn thì Kinh Nghiệm Trực Tiếp mới dẫn bạn đến sự Hiểu Biết Đúng. Sự Hiểu Biết trên thực tế là rất ít giá trị nếu chúng ta không đặt nó vào trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống của chúng ta.

Do đó, CHÁNH KIẾN ở đây không phải là hiểu lý thuyết mà là hiểu và nhận ra Sự Thật thông qua trải nghiệm thực tế của cá nhân bạn.

Ta Bà vốn dĩ Vô Thường
Mình tu phải tỏ đừng mà Vô Minh
Chưa tu nghe thấy hãi hùng
Mình tu phải thấy ung dung trong lòng
Bởi vì tất cả là không
Không là tất cả phải thường quán tâm
Di Đà diệu pháp sáu âm
Niệm ngay 1 khắc thân tâm an nhàn.

-THIỆN HOÁ-

HIỂU BIẾT CHÂN CHÁNH

  • Hiểu biết tất cả sự vật hiện hữu trên thế gian này đều do nhân duyên sanh, không trường tồn và luôn luôn biến diệt.
  • Nhận thức rõ nhân quả- nghiệp báo để hành động.
  • Nhận thức rõ giá trị hiện hữu của thân người và mọi vật xung quanh.
  • Nhận thức rõ Khổ- Vô thường- Vô ngã của vạn pháp.
  • Nhận thức rõ tất cả chúng sanh cùng một bản thể thanh tịnh.
  • Nhận thức rõ Tứ đế- Thập nhị nhân duyên, không chấp thường , chấp đọan.

HIỂU BIẾT KHÔNG CHÂN CHÁNH

  • Chấp Thượng Đế tạo vật, không tin lý nhân quả nghiệp báo.
  • Phủ nhận mọi sự vật hiện hữu, không nhận thức chúng từ nhân duyên sanh.
  • Chấp vào thành kiến; quan niệm không bình đẳng giữa người và muôn vật.
  • Cố chấp vào kiến thức vọng tưởng; không tin vào những quả vị giải thoát.

2. CHÁNH TƯ DUY

CHÁNH TUY DUY là suy nghĩ đúng đắn với lẽ phải. Loại bỏ những ý tưởng tham lam, hãm hại, tàn bạo và ác độc đối với tất cả chúng sanh.

BÁT CHÁNH ĐẠO

CHÁNH TƯ DUY là luôn luôn phát triển và trau dồi lòng vị tha, thương người, thương vật. Luôn có ý đối xử tốt với mọi chúng sanh. Luôn nghĩ tới những người đang khổ sở để mang đến đều tốt lành cho họ, để giải thoát khổ đau cho họ và tất cả chúng sanh.

Người tu theo pháp CHÁNH TƯ DUY, thường xét nghĩ Chánh Pháp. Biết xét những hành vi lỗi lầm, ý nghĩ xấu xa của mình để sám hối. Không nhìn và tìm kiếm lỗi của người khác. Biết suy nghĩ về 3 món Vô Lậu học: Giới, Ðịnh, Huệ, để tu Giải Thoát. Biết suy xét MinhNhân Quả. Luôn tìm phương pháp đúng đắn để tu tập Chánh Pháp hầu giải thoát cho mình và cho chúng sanh.

“Tu ko là buông xuôi tất cả
Tu là buông bỏ tất cả mà thôi
Bởi vì mình đã hiểu rồi
Giành chi những thứ phải đâu của mình
Tu là tự lực cánh sinh
Giữa đời hư ảo biết mình cùm gông
Tu là sắc tức thị không
Chặt dây tham dục vén màn vô minh.
Tu là thương vạn chúng sinh
Vì chúng còn khổ gấp ngàn lần ta
Đồng sinh trong cõi Ta Bà
Mà còn phải chịu kiếp làm súc sinh
Để người ăn thịt của mình
Tan nhà nát cửa xa rời tình thân
Tu là phải thấu quả – nhân
Gieo gì gặt đó chớ hề nào sai
Dù cho hào kiệt anh tài
Làm sao thoát đặng quả nhân ở đời
Tu là tích phước bằng lời
Chớ nên khẩu nghiệp nói lời xót xa
Lời ăn tiếng nói thật thà
Người nghe ái ngữ an vui trong lòng
Tu là tác phước lập công
Mở mang trí huệ gieo nhiều thiện duyên
Dù cho thế sự đảo điên
Người tu tự tại an nhiên trong lòng.”

-THIỆN HOÁ-

SUY NGHĨ CHÂN CHÁNH

  • Suy nghĩ đến nguyên nhân đau khổ của mình và chúng sanh, ở đó vô minh là nguồn gốc của mọi tội lỗi, để biết mà tu tập hầu tìm được giải thoát cho mình và cho chúng sanh.
  • Suy nghĩ đến Giới – Định – Huệ làm căn bản tiến tu đến quả vị Niết bàn.

SUY NGHĨ KHÔNG CHÂN CHÁNH

  • Suy nghĩ đến lợi dưỡng, tài sắc, danh vọng tìm trăm mưu nghìn kế để hại người.
  • Suy nghĩ đến nhiều cách để hơn người, mọi mưu mô để trả thù; dùng tà thuật; dựa vào lòng tin của con người để mê hoặc.

3. CHÁNH NGỮ

CHÁNH NGỮ là lời nói chân thật, nói đúng với lẽ phải.

BÁT CHÁNH ĐẠO

Bởi vì lời nói có sức mạnh vô hình có thể gây nên sự tổn thương cho người nghe. Và con người thường nói những điều mình nghĩ, những điều bộc phát chưa kịp nghĩ. Nên CHÁNH NGỮ bắt buộc phải theo sau CHÁNH TƯ DUY. Có như vậy, lời nói mới không gây tổn hại ai và mang hạnh phúc chân thật đến với người nghe. Như vậy phải suy nghĩ cẩn thận trước khi nói ra.

Vậy, phàm những lời nói đúng lý, hợp lý lẽ, có lợi ích cho toàn thể chúng sanh là CHÁNH NGỮ. Những lời nói ấy chúng ta phải tin theo và tập nói cho đúng như thế.

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Nói sao cho mến thương nhau
Nói sao cho xứng danh mình người tu

Người tu ăn nói hiền từ
Ôn tồn chậm rãi thấu đầu rõ đuôi
Người tu chẳng vì cuộc vui
Mà đi bươi móc cuộc đời người ta

Dẫu biết trong cõi Ta Bà
Muôn ngàn trái đắng việc mà xốn xang
Người tu không nói sỗ sàng
Dù cho việc ấy trái ngang muôn phần

Người tu ngôn ngữ ân cần
Nói lời hiền đức thật thà chánh tâm
Người tu phải biết quan tâm
Yêu thương chăm sóc chúng sanh muôn loài

Người tu không nói lời hai
Trước sau như một thật thà đáng tin
Người tu cũng chớ bóng hình
Nói hươu nói vượn mua vui cho đời

Người tu nhân lúc còn hơi
Duy mà niệm Phật chớ nên vơi lòng
Người tu hãy ráng mà phòng
Nhất là khẩu nghiệp nó vần nó xoay

Người tu phước đức lắm thay
Làm được như vậy hơn tu nửa đời
Người tu phải giữ lấy lời
Là điều Phật dạy ngàn đời chớ quên.”

-THIỆN HOÁ – 

LỜI NÓI CHÂN THẬT

  • Lời nói ngay thẳng, thành thật và hợp lý. Không thiên vị, hòa nhã, giản dị mà sáng suốt.
  • Lời nói lợi ích, đồng nhất và mang tính chất sách tấn, khuyến tu. Mở bày ánh sáng Giác Ngộ tự tâm trong mỗi người.
  • Lời nói mang tính chất tuyên dương đạo lý làm người; tuyên dương Chánh Pháp: Từ BiTrí Tuệ.

LỜI NÓI KHÔNG CHÂN THẬT

  • Lời nói gây chia rẽ, không đúng sự thật.
  • Lời nói để hại người, xuyên tạc, thiên vị, dua nịnh.
  • Lời nói nguyền rủa , mắng nhiếc, vu họa và thô tục.
  • Lời nói để bảo vệ Ngã (cái “Ta”) và Ngã Sở (cái thuộc về “Ta”).

4. CHÁNH NGHIỆP

CHÁNH NGHIỆP là làm việc đúng.  hành động nào cũng phải phù hợp với lẽ phải. Không hãm hại bất cứ chúng sanh nào. Ngay cả một ý định hãm hại, gây bất lợi cho người, cho vật cũng không có.

BÁT CHÁNH ĐẠO

Người có CHÁNH NGHIỆP là người luôn luôn có hành vi đạo đức tốt, không gây tổn thương quyền lợi và danh dự của bất cứ người và chúng sanh nào.

Người theo đúng “CHÁNH NGHIỆP” là người luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình. Để không làm tổn hại đến quyền lợi, nghề ghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc, tánh mạng của người khác. Hơn nữa, người theo đúng CHÁNH NGHIỆP bao giờ cũng tôn trọng Lương Tâm Nghề Nghiệp của mình. Luôn luôn hành động có lợi ích cho mọi người, mọi vật. Và nếu cần, có thể hy sinh quyền lời hay tánh mạng của mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người, loài vật khác.

CHÁNH NGHIỆP còn có nghĩa là những NGHIỆP QUẢ CHÂN CHÁNH. Hay nói cách khác: một người thực hành theo đúng CHÁNH NGHIỆP là một người thấu hiểu được Luật Nhân Quả, nên mọi hành động từ Thân Khẩu Ý đều không làm tổn hại đến bất cứ chúng sanh nào. Và luôn hành động theo Chánh Pháp nhằm tạo Thiện Nghiệp.

Ngập chìm trong chốn ba sinh
Rồi đây chẳng biết là mình về đâu
Bao năm mưa nắng dãi dầu
Giờ đây ngoảnh lại mái đầu sương pha

Mưu sinh giữa chốn Ta Bà
Tạo bao nghiệp chướng nào ta hay gì
Có duyên giác ngộ Từ Bi
Rõ Tham lầm lỗi Sân Si tạo thành.

-THIỆN HOÁ-

HÀNH ĐỘNG CHÂN CHÁNH

  • Hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, mọi loài.
  • Hành động có thận trọng không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản, danh giá và địa vị của kẻ khác.
  • Hành động chân chánh là hành động có lương tâm, đạo đức trong địa vị của mình, biết gìn giữ tánh hạnh.
  • Biết hy sinh chánh đáng để đem lại lợi lạc cho quần sanh.

HÀNH ĐỘNG KHÔNG CHÂN CHÁNH

  • Hành động không gìn giữ các phép tắc, giới điều (tam quy, ngũ giới), trái với đạo làm người.
  • Hành động chỉ vì lợi mình mà hại người.

5. CHÁNH MẠNG

CHÁNH MẠNG là nuôi mạng sống một cách chân chánh. Không dùng máu thịt, sự đau đớn của chúng sanh để nuôi mạng của mình. Là làm một nghề nghiệp để sinh nhai nhưng công việc đó phải tránh làm tổn hại người khác hoặc chúng sanh khác.

Phật giáo thường khuyến khích con người loại bớt các tài sản vì nó ràng buộc mình. Thực ra thì cũng không có điều nào cấm cản việc tích trữ tiền bạc và sắm các nữ trang quý giá. Tất cả tùy thuộc vào sự liên hệ của tài sản này do đâu mà có. Theo truyền thống thông thường thì sự giàu sang có thể là dấu hiệu của một Nghiệp Báo tốt lành (Thiện Nghiệp). Tài sản dồi dào cũng có thể giúp hành giả một cơ hội giúp đỡ người khác qua lòng từ bi của hành giả.

Người theo CHÁNH MẠNG sống đúng Chánh Pháp. Không mê tín dị đoan, và biết thân tứ đại vốn vô thường, nên lấy tịnh giới làm thể, lấy trí huệ làm mạng, bỏ niệm vọng cầu, an vui với Chánh Pháp.

Ăn chay không chỉ dưỡng sinh
Ăn chay còn giúp thân tâm thanh nhàn
Ăn chay lời nói dịu dàng
Ăn chay thương xót vạn loài chúng sinh.
Bởi vì chúng cũng như mình
Đều yêu mạng sống chứ đâu khác gì
Cớ sao mình lại so bì
Cho rằng bọn chúng là loài dưỡng nhơn
No chi một bữa oán hờn
Bổ chi một đống xác hờn hôi tanh
Chi bằng thương lấy chúng sanh
Ăn chay niệm Phật đồng về Tây Phương.

-THIỆN HOÁ –

ĐỜI SỐNG CHÂN CHÁNH

  • Không sát sanh hại vật để dưỡng thân và kiếm sống
  • Sống bằng khả năng, tài năng chân chánh, không lừa dối, luồn cúi, gạt người.
  • Sống thanh cao, đúng chánh pháp không mê tín.

ĐỜI SỐNG KHÔNG CHÂN CHÁNH

  • Sát sanh hại vật để dưỡng thân và kiếm sống.
  • Làm tổn hại và não loạn tâm trí mọi người.
  • Sống luồn cúi, dùng miệng lưỡi, mối lái để giao dịch thân thiện.
  • Sống chạy theo mê tín, dị đoan; sống nương tựa ăn bám vào kẻ khác.

6. CHÁNH TINH TẤN

CHÁNH TINH TẤN là siêng năng đúng. Không lười biếng nhưng cũng không làm quá sức. Là loại bỏ những thái độ, những tư tưởng không đúng đắn.

Người theo đúng CHÁNH TINH TẤN, trước tiên, bao giờ cũng hăng hái sửa mình. Cương quyết bài trừ những điều ác, quyết tâm phát triển mọi hạnh lành.

Người theo đúng CHÁNH TINH TẤN, dũng mãnh tiến lên trên đường Giải Thoát. Cho đến khi nào đạt được mục đích cao cả tột cùng ấy mới thôi (xem đoạn “Tấn Căn” trong bài Ngũ Căn – Ngũ Lực). Quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế gian, lấy Chánh Trí làm mãnh lực, lấy Niết Bàn làm chỗ quy hướng. Một lòng chẳng trễ, muôn kiếp không dời, quyết công phu, định thành Đạo Quả để trước tự độ mình, sau hóa độ chúng sanh đồng thành Đạo Quả.

Trồng khoai trồng ớt trồng hành
Cây lá trên cành cũng ủ sum suê
Gắng gieo thiện phước đuề huề
Chờ ngày lập hội thuyền viên với Thầy
Chớ đừng như gió như mây
Gió xuôi miền ngược mây đèo lên non
Gắng tu cho đặng vuông tròn
Rời vòng sanh tử mỏi mong Cửu Huyền
Mai sau đặng được Thần Tiên
Rước ngàn đại chúng về chầu Liên Hoa

-THIỆN HOÁ –

CHUYÊN CẦN CHÂN CHÁNH

  • Quyết tâm lọai bỏ các việc ác đã sanh, ngăn ngừa những việc ác chưa sanh.
  • Chuyên làm các việc lành, việc tốt.
  • Chuyên cần trau dồi phước đức và trí tuệ. Thực hiện Phước Huệ Song Tu là lên đường Giải Thoát ( trích Huấn Từ của Đức Tông Sư Minh Trí)

CHUYÊN CẦN KHÔNG CHÂN CHÁNH

  • Là người say sưa với Ngũ DụcKhoái Lạc.
  • Là kẻ say sưa lạc thú làm tổn hại đến người khác, không tiết chế bản thân.

Con người thì có Vui và Khổ
Ta Bà cũng có Khổ và Vui
Thấy cười ngỡ Vui ai ngờ Khổ
Thấy buồn ngỡ Khổ vậy mà Vui

Vui trong Ngũ Dục Vui là Khổ
Khổ để tu hành Khổ hóa Vui
Mong sao tập tánh không Vui Khổ
Mới thoát ra ngoài cảnh Khổ Vui
 -THIỆN HOÁ-

7. CHÁNH NIỆM

CHÁNH NIỆM là nhớ đúng. CHÁNH là chân chánh và NIỆM là ý niệm. CHÁNH NIỆM hiểu đơn giản nhất là các ý niệm chân chánh, sự nhớ chân chánh.

CHÁNH NIỆM có nghĩa là phải làm cho đời sống của chúng ta gắn liền với những gì mà ta đang làm trong hiện tại. Không truy tìm quá khứ và không lạc ở tương lai.

Để cho dễ hiểu, bạn hãy ngồi nhắm mắt lại và cố gắng “Không suy nghĩ gì trong khoảng 2 phút”. Bạn sẽ thấy vô cùng khó bởi sự vận hành hỗn loạn của tư tưởng: Nó khởi niệm liên tục, hết đông sang tây, hết trong nhà ra ngõ; Hết quá khứ đến hiện tại và ngay cả vị lai…Và đến khi bạn nhận ra được mình đang suy nghĩ một cách hỗn loạn thì 2 phút của bạn đã trôi qua lâu rồi.

Như vậy, khi tâm bạn khỏi lên một suy nghĩ đó được gọi là một Niệm. Niệm được hiểu đơn giản như thế đó.

Niệm khiến chúng ta gợi lại những điều trong quá khứ, nhất là để tâm vào những điều ta luyến tiếc. Niệm khiến chúng ta nghĩ đến tương lai, nhất là những điều chúng ta đang lo lắng. Tâm ta luôn luôn khởi lên các niệm một cách hỗn loạn, đây gọi là Vọng Niệm. Còn nếu bạn kiểm soát được sự hỗn loạn của các ý niệm nghĩa là bạn đã có CHÁNH NIỆM!

Ví dụ: khi ăn thì ta chú tâm ăn, khi đọc sách thì ta chú tâm đọc, khi đọc Kinh Phật thì ta chú tâm và Kinh Phật, Khi đang lái xe thì chú tâm vào việc lái xe, khi rửa chén thì chú tâm vào việc rửa chén. Hoàn toàn không có bất cứ Niệm nào ngoài việc ta đang làm. Thì đó là CHÁNH NIỆM.

“Điều gì đến sẽ đến
Điều gì đi sẽ đi
Đừng nhọc tâm suy nghĩ
Chẳng được lợi ích chi
Chỉ mang thêm phiền não
Chẳng giải quyết được gì
Vì ngày mai chưa đến
Đã mất hôm nay rồi
Đánh rơi điều hiện tại
Là bất hạnh cuộc đời.”
 -THIỆN HOÁ-

CHÁNH NIỆM khác CHÁNH TƯ DUY ở chỗ: CHÁNH TƯ DUY là suy nghĩ chân chánh về một vấn đề, còn CHÁNH NIỆM là ngay một Niệm khởi ở trong tâm cũng phải là chân chánh. Điều này nghĩa là CHÁNH NIỆM được hiểu ở mức độ vi tế hơn.

CHÁNH NIỆM có 2 phần: CHÁNH ỨC NIỆM và CHÁNH QUÁN NIỆM

CHÁNH ỨC NIỆM

Là nghĩ nhớ đến các điều lỗi lầm trong quá khứ để thành tâm sám hối. Là nghĩ nhớ đến Tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân tổ quốc, ân chúng sinh và ân Tam Bảo để lo báo đền.

ỨC NIỆM CHÂN CHÁNH
  • Nhớ đến tứ ân.
  • Nhớ đến những lỗi lầm xưa, đừng để tái phạm trong hiện tại và tương lai.
ỨC NIỆM KHÔNG CHÂN CHÁNH
  • Nhớ lại những óan hận để phục thù.
  • Nhớ lại những hạnh phúc mong manh không ích lợi.
  • Nhớ lại hành động oai hùng, dùng thủ đọan xảo trá, tàn bạo đã qua để hãnh diện tự đắc.

“Trần gian thế cuộc đổi thay
Xác mà chất đống phơi thây muôn ngàn
Ngày nay Đạo Đức chẳng màng
Rồi sau dẫu có tiền vàng khó mua
Sơ sinh đến kẻ già nua
Phải mà ghi nhớ khắc đền Tứ-Ân

Nhất-ân là nghĩa sinh thành
Dày công dưỡng dục tựa hồ Tu-Di
Gánh cha gánh mẹ mà đi
Trăm ngàn muôn kiếp vẫn chưa đáp đền

Nhì-ân Quốc Tổ chớ quên
Nơi ta sinh sống bao đời cha ông
Đổ xương đổ máu như sông
Cho ta mảnh đất cho ta hòa bình

Tam-ân hết thảy chúng sinh
Cơm ăn áo mặc người dành cho ta
Thân bằng quyến thuộc gần xa
Đều là sanh-chúng ta cần mang ơn

Tứ-ân Thầy-Tổ mở đường
Khai Tâm mở Trí cho ta nhìn đời
Cho ta chân lý mặt trời
Bình minh Chánh pháp dẹp thời vô minh

Ta Bà hết thảy chúng sinh
Ai mà chẳng có Tứ-Ân phải đền
Làm Người thì chẳng được quên
Ân đền Nghĩa đáp Hận Thù buông trôi.”

-THIỆN HOÁ-

CHÁNH QUÁN NIỆM

Là dùng Tâm Từ Bi xét nghĩ cuộc đời là Khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sinh đang mắc phải. Để mở rộng lòng thương yêu và quyết tu tập rốt ráo nhằm cứu độ chúng sanh.

Người theo đúng CHÁNH NIỆM, thường quán sát cảnh chân đế, năng tưởng niệm các pháp trợ đạo; bất luận ở đâu và làm gì, cũng nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, dù trải qua bao nhiêu số kiếp cũng không thối tâm xao lãng.

🌿 QUÁN NIỆM CHÂN CHÁNH
  • Quán niệm Từ Bi: Thấy nỗi khổ của chúng sanh trong luân hồi sanh lòng thương xót, tìm nhiều phương tiện để giúp đở họ. Thấy sự mê lầm của mình và người dẫn đến sầu, bi , khổ, ưu và não, thực hành lời Phật dạy để chấm dứt mê lầm.
  • Quán niệm Trí Huệ: Quán niệm nguyên nhân sanh hóa vũ trụ, quán thân, tốt xấu, cao thấp; quán niệm thực tướng của các pháp để vững tiến trên con đường Giải Thoát.
🌿 QUÁN NIỆM KHÔNG CHÂN CHÁNH
  • Nhớ nghĩ đến dục lạc, khóai cảm.
  • Nhớ nghĩ đến kế sách, âm mưu và phương tiện giết hại lẫn nhau.
  • Nhớ nghĩ đến văn tự xảo trá để gạt người.

8. CHÁNH ĐỊNH

CHÁNH ĐỊNH là tập trung đúng. Là tập trung tư tưởng khi THIỀN ĐỊNH vào một vấn đề tốt lành như lòng Từ Bi, như sự Vô Thường sinh diệt của cuộc đời.

ĐỊNH chính là sự chú tâm vào một đối tượng. Một khi đã nắm giữ được bất cứ điều gì mình muốn chú tâm vào đó thì CHÁNH NIỆM sẽ duy trì Tâm ở đó, để mình không đánh mất đối tượng. Nhưng trước hết, giữ gìn được đối tượng là điều mà ĐỊNH đề cập đến.

Khi bạn xem tin tức trên truyền hình thì có một người ở giữa màn hình đọc tin tức trong ngày, rồi phía dưới, có một hàng chữ đưa ra các tin tức khác, và ở trong góc thì có thể có những thông tin khác. Chúng ta không thể chú ý hay hoàn toàn tập trung vào bất cứ điều gì. Thậm chí, nếu nghĩ rằng mình có thể làm nhiều việc trong cùng một lúc thì không có ai, ngoại trừ bạn là một vị Phật, có thể tập trung 100% vào tất cả mọi việc mà bạn đang làm.

Đôi lúc, khi người khác nói chuyện với mình thì mình lại chú ý vào điện thoại di động. Đó là sự chú tâm sai lầm, vì người ta đang nói chuyện với mình, mà mình lại không chú ý nghe họ. Ngay cả khi mình chú tâm vào điều gì thì cũng khó mà duy trì sự chú ý. Giờ đây, ta đã quá quen với mọi việc thay đổi quá nhanh chóng, và quen nhìn hết cái này đến cái kia, nên rất mau chán. Cách tập trung tinh thần như vậy, chỉ chú tâm một vài khoảnh khắc vào cái này, một vài khoảnh khắc vào cái kia, là một chướng ngại. Đó là ĐỊNH TÂM sai lầm. Khả năng tập trung tinh thần một cách đúng đắn có nghĩa là có thể chú tâm vào một đối tượng lâu dài khi cần thiết mà không chán nản và quay sang đối tượng khác, bởi vì mình không còn thích thú vào đối tượng đầu tiên nữa.

THIỀN ĐỊNH CHÂN CHÁNH

Người theo đúng CHÁNH ĐỊNH, thường tập trung tư tưởng để THIỀN ĐỊNH CHÂN CHÁNH để quan sát những vấn đề chính sau đây:

  • QUÁN THÂN BẤT TỊNH: (bất tịnh quán) tức là quán tưởng thân không thanh tịnh, để trừ tham dục, si ái (xem lại đoạn: “quán thân bất tịnh” trong bài Tứ niệm xứ).
  • QUÁN TỪ BI: (từ bi quán) là quán tưởng tất cả chúng sinh đều là một chân tâm, bình đẳng không khác, để đoạn trừ thù hận, và mở rộng lòng thương yêu để cứu độ chúng sinh.
  • QUÁN NHÂN DUYÊN: (nhân duyên quán) là quán tưởng tất cả pháp hữu hình như muôn vật, vô hình như tâm niệm đều là giả hợp, duyên nhau mà có, chứ không có một cách chân thật, không trường tồn, để đoạn trừ ngu si, pháp chấp.
  • QUÁN GIỚI PHÂN BIỆT: (giới phân biệt quán) nghĩa là phân biệt và quán tưởng sự giả hợp của 18 giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức để thấy không thật có “ngã, pháp” ngõ hầu diệh trừ ngã chấp, pháp chấp.
  • QUÁN HƠI THỞ: (sổ tức quán) nghĩa là quán tưởng bằng cách chuyên chú đếm hơi thở ra vào, để đối trị sự tán loạn của tâm thức.

A DI ĐÀ PHẬT hảo hồng danh
Lục Tự Di Đà diệu pháp âm
Nhất Tâm trì niệm vô lượng phước
Vạn Pháp hộ trì độ chúng sanh

– THIỆN HOÁ –

THIỀN ĐỊNH KHÔNG CHÂN CHÁNH

  • Thiền Định để cầu thác sinh các cõi trời.
  • Thiền Định để luyện bùa chú, thần thông, phép lạ, trường sanh bất tử.

Thiện Hóa
Thiện Hóa

Đời đạo hòa đồng tâm an lạc
Sắc không quy nhứt tánh viên minh

Bình Luận

Tháng 10 năm 2024
09
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 4
Ngày Bính Ngọ
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
07
Tháng 09

Về Bích Tọa Đàm

Chúng tôi, những thiện nam tín nữ với 1 lòng thành kính hướng về ngôi Tam bảo, xin được phép thành lập trang Bích Tọa Đàm để làm nơi chia sẻ những lời huyền ngọc, những kiến thức Phật học mà chúng tôi đã hữu duyên kiến huệ được. Nếu có sự trùng lặp hoặc chưa đúng. Rất mong được quý vị, chư đồng đạo hoan hỉ bỏ qua. Cùng nhau góp ý xây dựng để hoằng dương Phật pháp. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Muôn loài sớm thoát khỏi đường mê, quay về nẻo giác. Chúng sinh đồng thành Phật đạo.

 – NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT –

Kết nối với chúng tôi

Bài viết gần đây

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Đăng kí nhận bài viết mới

Đăng kí nhận thông báo về các bài viết mới nhất của Bích Tọa Đàm. 

error: Nội dung được bảo vệ !!

THAM GIA NHÓM FACEBOOK

Hoan hỉ kính mời bạn cùng tham gia vào nhóm của BÍCH TOẠ ĐÀM trên Facebook để cùng nhau tinh tấn tu tập và trao đổi chánh Pháp.
🙏🏻Nam Mô A Di Đà Phật🙏🏻