LƯỢC SỬ CỦA NGÀI
Xuất Thân
Mục-kiền-liên (tiếng Pali: Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, chữ Hán: 目犍連; tên Latinh hóa: Kolita, Maudgalyayana, Mahamaudgalyayana hay Mahāmoggallāna) hay gọi tắt là Mục Liên (目連) (568—484 TCN) là một đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thời Ngài còn tại thế. Cùng với tôn giả Xá Lợi Phất (Upatissa), Mục Kiền Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và được Đức Phật giao trọng trách làm Thượng Thủ Tăng Đoàn sau khi Ngài chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong Tứ Thánh Quả. Ông đã đắc quả A La Hán và trở nên nổi tiếng là bậc “Thần thông đệ nhất” (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.
Theo các ghi chép trong kinh Phật giáo thì Mục Kiền Liên sinh ra tại một ngôi làng nhỏ gần kinh đô Patna của vương quốc Magadha, nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Ông được cho là thuộc dòng dõi Mudgala, tức là “Thiên văn gia”. Tầng lớp Mudgala thuộc một giai cấp quý tộc, được tôn kính và giàu có, vì vậy Mục Kiền Liên từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, không thiếu thốn bất cứ món gì và được hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh theo truyền thống Bà La Môn giáo. Tuy nhiên, trong một lần cùng người bạn Xá Lợi Phất (Upatissa) đi dự “Hội Sơn Thần” (trước là để tế lễ cho thần núi, sau để dân chúng có một dịp liên hoan vui thú), ông chợt ngộ ra và tâm tưởng về Sinh Ly Tử Biệt giữa cuộc đời và sự cứu rỗi. Từ đó, hai người quyết định tìm đường Giải thoát, sống một cuộc sống đời làm tu sĩ, thoát ly gia đình, thoát bỏ sợi dây giai cấp của Bà La Môn Giáo.
Cầu Đạo
Trên bước đường cầu đạo, ông cùng Xá Lợi Phất đã thỉnh giáo nhiều tu sĩ cao nhân, tiếp thu nhiều tư tưởng triết học khác nhau. Một số chủ trương hẳn thuyết Vô Ðạo Ðức (đạo đức là sự vô ích) một số khác đề cao thuyết Ðịnh Mệnh, và một số khác truyền bá tư tưởng Duy Vật. Tuy nhiên, cả hai đều tìm ra những khiếm khuyết của các giáo thuyết, vì vậy không để tâm nghiên cứu và tiếp tục tìm kiếm.
Lúc bấy giờ, Đức Phật đến nước Ma Kiệt Đà để thực hiện lời hứa với Vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra hay còn gọi là Bình Sa Vương) là “Khi Ngài đắc Đạo sẽ trở lại”. Khi Vua biết Ngài đã đắc Đạo rồi, vua mừng rỡ đã cúng dường Phật và Tăng chúng Đạo tràng Trúc Lâm”.
Vào lúc đó, cả Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất đã khoảng bốn mươi tuổi, hai người lúc này đã quay về thành Vương Xá sau những ngày tìm học đạo không thành, và tạm trú trong viện của tu sĩ Sànjaya. Một hôm, Xá Lợi Phất thấy một Sa Môn đang đi khất thực trong thành Vương Xá với oai nghi của bậc Thánh nhân, nên để ý và đến hỏi. Vị này cho biết mình là trưởng lão A Thuyết Thị (hay con gọi là Ác Bệ) (Assaji) – là một trong 5 anh em Kiều Trần Như – những vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Được Trưởng lão A Thuyết Thị khai ngộ về khái niệm Tứ Diệu Đế, Xá Lợi Phất liền đắc Pháp nhãn (Dhamma Cakkhu) trong tâm thức chứng quả Nhập Lưu, Tu Ðà Hoàn (Sotàpatti). Xá Lợi Phất thấy trí tuệ bừng sáng, nên hỏi tiếp và được biết Đức Phật – Bậc Thánh Nhân đã thuyết Tứ Diệu Đế đang ở “Đạo Tràng Trúc Lâm”.
Sau khi về nơi trọ, Xá Lợi Phất thuật lại cho Mục Kiền Liên nghe. Cũng giống như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên nhanh chóng giác ngộ con đường đạo mà ông tìm kiếm bấy lâu nay. Từ đó, 2 người kiên định con đường đạo, gia nhập Tăng đoàn được Đức Phật ấn khả cho hai vị Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên là thượng thủ bậc nhất tăng đoàn. Trở thành một trong những Thánh nhân nổi tiếng bật nhất được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo.
Mục Kiền Liên Cứu Mẹ
Ngài Mục Kiền Liên với phẩm hiệu: Thần Thông Đệ Nhất nên qua đó đã biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ do sinh tiền đã làm nhiều ác nghiệp. Sau nhiều lần đến cõi Địa Ngục tìm cứu mẹ nhưng không được. Ngài đã cầu Đức Phật dạy mình cách có thể cứu mẹ.
Đức Phật đã dạy rằng:
“Ông hãy đợi đến rằm tháng bảy, là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Đó là ngày chư tăng mãn hạ sau 3 tháng an cư kiết hạ. Ngày đó dù các vị đang ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, thiết lễ Vu Lan nhờ sức chư tăng mười phương hợp lực cùng chú nguyện. Ông hãy sắm sửa lễ cúng dường vào ngày đó.”
– Trích đoạn Đức Phật dạy Mục Kiền Liên cách cứu mẹ của mình –
Theo lời Đức Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát được mẹ của mình. Đức Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm (kinh Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
TRUYỆN PHẬT GIÁO: SỰ TÍCH MỤC LIÊN CỨU MẸ
PHIM PHẬT GIÁO BỒ TÁT MỤC KIỀN LIÊN VÀO ĐỊA NGỤC CỨU MẸ
KINH VU LAN BỒN PHÁP
TỤNG KINH VU LAN BỒN PHÁP
Xem những sai lầm của người Phật tử thường mắc phải vào ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7) tại đây
Công Hạnh Và Đức Hạnh
Tôn giả Mục Kiền Liên như một vị hộ pháp cứng rắn. Hình ảnh của Ngài khiến kẻ xấu ác không dám làm quấy, những lời dạy răn nhắc nhở của Ngài giúp các Tỳ kheo luôn ý thức giữ sự tu hành nghiêm túc. Ngài thường cương trực mà bày tỏ những quan điểm của giáo đoàn với những nhóm ngoại đạo khác, cũng như thẳng thắng chỉ lỗi khi các vị còn mắc sơ suất.
Ngài bảo vệ chúng Tăng khỏi những âm mưu chia rẽ, xây dựng cho đại chúng một môi trường hòa thuận như nước với sữa. Một lần tôn giả Xá Lợi Phất bị nói xấu, Ngài lập tức triệu tập chúng Tăng để làm rỏ tới cùng.
Lần khác Ngài nghiêm khắc trục xuất nhóm sáu Tỳ kheo bất phục thiện. Thậm chí khi Đề Bà Đạt Đa ly khai lôi cuốn theo rất nhiều Tỳ kheo, cũng chính là Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tới thuyết phục, tuyên giảng về sự vĩ đại của Đức Thế Tôn là bậc Thánh cao cả nhất trong vũ trụ, mở mắt cho những người đã tin tưởng mù quáng và đưa họ về với Chánh Pháp.
Nhập Niết Bàn
Theo các ghi chép Phật giáo, Mục Kiền Liên nhập Niết Bàn nửa tháng sau Xá Lợi Phất, tức là vào ngày mồng 1 sau tháng Kattika theo lịch cổ Ấn Độ (khoảng giữa tháng 10 Dương Lịch). Sự nhập Niết Bàn của Mục Kiền Liên được diễn tả trong kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya) như sau:
“ Lúc ấy, Nàthaputta – Giáo chủ đạo Jaina (Kì Na giáo hay còn gọi là giáo phái khoả thân) cũng vừa qua đời. Lúc này, trong hàng ngũ của đạo Kì Na, bỗng xuất hiện sự tranh luận, đòi xem xét lại giáo lý của giáo chủ Nàthaputta. Kết quả là đạo Kì Na đã bị mất nhiều tín đồ và những người có thiện cảm. Điều này khiến cho các tu sĩ đứng đầu Kì Na giáo tỏ ra tức giận.
Nhiều sư trưởng đạo Kì Na còn nghe đồn rằng: Ðại đức Mục Kiền Liên, sau những chuyến Thiên du (lên trời thuyết pháp rồi trở về) đã tiết lộ rằng: Hầu hết tín đồ Phật giáo đều được sanh lên cõi trên, nhưng rất hiếm những kẻ tu theo đạo khác được hưởng hạnh phúc ấy. Trái lại, họ còn bị đoạ vào cảnh khổ và tái sinh thành nhiều sinh vật thấp hơn loài người. Ðây có lẽ là tin đồn thất thiệt, nhưng là một trong những lý do khiến cho các đạo khác, kể cả đạo Kì Na bị sút giảm những người mộ đạo. Ðặc biệt, một chi giáo cuồng tín của đạo Kì Na giáo ở vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà) đã trở nên giận dữ trước sự mất danh tiếng càng lúc càng trầm trọng ấy. Nên họ chủ tâm tiêu diệt Ðại Đức Mục Kiền Liên.
Những đạo sĩ cuồng tín đạo Kì Na ấy không chịu điều tra rõ nguyên nhân suy đồi của tôn giáo mình. Họ chỉ biết âm mưu phỉ báng và trút hết lên đầu Ðại đức Mục Kiền Liên. Nhiều lần họ mưu tâm ám sát vị Thánh Tăng ấy nữa nhưng đều thất bại. Về sau, họ phải mướn bọn cướp làm việc đó.
Thuở bấy giờ cũng có bọn chuyên giết người vì tiền, sẵn sàng sát nhân, nếu được trả nhiều tiền như ngày nay vậy. Họ là những kẻ vô cùng tham lam và hung bạo. Ðối với họ chỉ có tiền là “cao quý” nhất, nên họ bất chấp việc giết người nào, dù cho nạn nhân là một vị Thánh Tăng! Do đó, một số đạo sĩ cuồng tín đạo Kì Na liền tìm mướn họ đi giết Ðại Đức Mục Kiền Liên.
Khi ấy, Mục Kiền Liên đang ẩn tu một mình trong tịnh cốc vắng, ven rừng Kàlasikà, thuộc vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà). Ngài biết rằng “đoạn chót của đời mình” sắp đến. Một vị Thánh Tăng khi đã được giác ngộ luôn thấy rằng “xác thân phàm tục này chỉ là một chướng ngại hay một gánh nặng mà thôi!”. Do đó, Mục Kiền Liên đã không một chút mảy may nghĩ đến việc dùng thần thông để vượt qua đại nạn. Ngược lại, khi Mục Kiền Liên thấy bọn người muốn giết mình lại gần, Ngài chỉ nghĩ “Ta không nỡ để cho các kẻ ấy phạm trọng tội!”. Thế là toàn thân Ngài tự nhiên biến mất (do thần thông của một bậc A La Hán đầy lòng từ bi phát tác, chứ không phải do sự sợ sệt hay lòng tham sống sợ chết mà ra).
Bọn sát nhân xông vào tịnh cốc, không tìm thấy một ai, chúng lục lạo khắp nơi, nhưng vẫn vô hiệu, bèn thất vọng ra về. Ngày hôm sau, chúng trở lại, và cũng rơi vào tình trạng như cũ. Nghĩa là từ xa chúng thấy Mục Kiền Liên thấp thoáng, nhưng khi đến gần, chẳng tìm ra Thánh tăng đâu cả, mặc dù càng lúc chúng càng kéo đồng bọn đông hơn và lục soát kỹ hơn. Chúng cũng khôn ngoan cho bộ hạ mai phục, rình rập xung quanh tịnh cốc để phát giác sự xuất hiện của Mục Kiền Liên, rồi vẫn không có kết quả. Sáu ngày liên tiếp như thế, sáu lần bọn cướp xông vào hãm hại Mục Kiền Liên, và sáu lần Ngài vì lòng từ bi, chỉ một niệm “không muốn kẻ ngu muội phạm trọng tội” thân thể Ngài đã biến mất một cách như nhau.
Ðộng lực của thần thông vốn không phải là để bảo vệ xác thân ô trược này, mà để cứu độ những tâm hồn hung bạo. Nhưng tiếc thay thần thông ấy của một vị Thánh tăng đắc quả A La Hán đã không cảnh tỉnh được bọn người tội lỗi. Nên qua ngày thứ bảy, Mục Kiền Liên đã quán xét bằng Tha Tâm Thông, thấy rằng “bọn cướp vì tham tiền quá độ sẽ không bao giờ từ bỏ hành động sát nhân ấy”. Và cũng vì quán chiếu mà Ngài biết được rằng, đây chính là ác quả mà mình đã gieo ở tiền kiếp (trong một tiền kiếp, Mục Kiền Liên có phạm tội bất hiếu với cha mẹ, nên kiếp này, trước khi nhập Niết bàn, phải trả nốt quả báo xấu đó. Thuở ấy, cha mẹ của Mục Kiền Liên đều mù loà, sống nhờ con phụng dưỡng. Mục Kiền Liên thờ phụng cha mẹ rất là hiếu thảo. Đến khi có vợ, Mục Kiền Liên nghe lời nói ra nói vào của vợ, mới dẫn cha mẹ vào rừng, và dàn cảnh làm như hai cụ già bị bọn cướp giết chết. Vì tội ác đó, Mục Kiền Liên phải bị đọa vào điạ ngục A tỳ trong nhiều đời; đến nay vào đời cuối cùng còn phải chết vào tay bọn sát nhân, để trả nốt quả báo cuối cùng). Nay ác quả đã đến, Mục Kiền Liên phải trả xong ác quả ấy thì công hạnh mới vẹn toàn! Giống như Đức Phật và Xá Lợi Phất, trước khi nhập Niết Bàn đã trải qua một cơn bệnh vậy!
Trong khi Mục Kiền Liên sử dụng Tha tâm thông như thế, thì thần thông “Di Thần” của Ngài tự nhiên biến mất, nhục thân của Ngài bất thần hiện lại như cũ, ngồi yên trong tịnh cốc. Bọn sát nhân tiến vào tịnh cốc thấy vị Thánh Tăng hiền hoà ngồi đó, liền chém và đâm chết Ngài. Khi biết chắc nạn nhân của mình không cách nào sống lại, và phe mình sắp được lãnh tiền trả công, bọn sát nhân ung dung bỏ đi không thèm quay lại.
Nhưng nhờ sức thần thông nhập định, Ngài chỉ vận dụng thiền lực tập trung sức mạnh tinh thần điều hợp với thể chất, rồi tái hiện thân thành như cũ. Tôn giả Mục Kiền Liên cố gắng đem tấm xương thịt đầy thương tích đến đảnh lễ Đức Phật lần cuối cùng. Với tâm cung kính chân thành nhất, Tôn giả đi nhiễu xung quanh Đức Phật ba vòng theo chiều tay phải, rồi lên núi Kỳ Xà Lê mà nhập Niết Bàn.
Vua xứ Ma Kiệt Đà là A Xà Thế sau khi nghe tin Mục Kiền Liên tử nạn đã huy động quân lính truy lùng, bắt giữ nhóm cướp sát hại vị A La Hán và các đạo sĩ chủ mưu. Toàn bộ số phạm nhân này đều bị thiêu sống.”
— theo kinh Majjhima Jàtaka trang 522
DIỆU TƯỚNG THƯỜNG THẤY CỦA
MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT
Bồ Tát Mục Kiền Liên: Ngài được mô tả có hình dáng cao lớn, mặt vuông tai tròn, tay phải cầm tích trượng, tay trái không cầm gì hoặc cầm bình bát với ngụ ý dâng cơm cho mẹ, thân mặc y vấn. Ngài ít khi ngồi mà thường ở trong tư thế đứng, được hiểu là tư thế sẵn sàng đi xuống cõi địa ngục để dâng cơm cho mẹ.
🙏🏻 Nam Mô A Di Đà Phật 🙏🏻
🙏🏻 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 🙏🏻
🙏🏻 Nam mô Long Hoa Hội Di Lặc Tôn Phật 🙏🏻
🙏🏻 Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát 🙏🏻
🙏🏻 Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát 🙏🏻
🙏🏻 Nam mô Đức Tông Sư Minh Trí 🙏🏻
☆☆☆☆☆☆☆💐💐💐💐💐☆☆☆☆☆☆☆
Khi xem và đọc những điều này. Nếu có chút gì lợi ích cho chúng sinh. Đó là sự diệu dụng của pháp bảo. Xin hồi hướng công đức lành này. Cầu cho chánh pháp được cửu trụ ta bà. Mọi loài sớm thoát khỏi đường mê. Quay về nẻo giác. Từ bỏ sát sanh hại vật. Phát tâm quy y Tam Bảo. Thọ trì ngũ giới. Ăn chay niệm Phật. Bố thí. Phóng sanh. Người người biết lấy lòng từ bi quý kính lẫn nhau. Thế giới hết nghiệp binh đao. Mưa thuận gió hoà. Quốc thái dân an. Muôn loài dứt sạch phiền não. Oan trái nghiệp chướng tiêu trừ. Thân tâm an lạc. Phước huệ song tu. Đạo quả chóng viên thành. Âm siêu dương thới. Lưỡng lộ tồn vong. Pháp giới chúng sanh đồng thành Phật Đạo.
🙏🏻 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 🙏🏻
(卍) Buddham Sharanam Gacchami (卍)
–Thiện Hoá sưu tầm và tổng hợp-